Thẳng thắn giải đáp các vướng mắc của người lao động
Chính trị - Ngày đăng : 08:28, 16/09/2018
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao đổi với các đại biểu trước hội nghị. Ảnh: Thành Chung
Sáng 16.9, tại Nhà văn hóa lao động, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; 250 công nhân, người lao động, chủ doanh nghiệp đại diện cho các công nhân lao động, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh nhấn mạnh cuộc tiếp xúc, đối thoại là dịp để lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội giúp công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành liên quan giải đáp trực tiếp các thắc mắc, không vòng vo, né tránh. Hội nghị lần này không có đại biểu danh dự, các đại biểu phải nhận thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để cùng tháo gỡ khó khăn. Những vấn đề có thể giải đáp được ngay phải thông tin cụ thể, rõ ràng, còn các nội dung cần xem xét phải ghi nhận và cam kết trả lời công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Chung
8 giờ 00: Cuộc đối thoại bắt đầu, nhiều công nhân bày tỏ ý kiến liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình. Đại diện cho công đoàn cho Công ty TNHH Tung Yang (Cẩm Giàng) đề nghị tỉnh có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiếm thất nghiệp.
Chị Phạm Thị Liễu Mai, công nhân Công ty TNHH Tung Yang nêu ý kiến với cơ quan chức năng. Ảnh: Thành Chung
Anh Trần Trung Phong, công nhân một công ty may tại huyện huyện Bình Giang cho biết việc ban hành các quy chế, hội nghị người lao động do doanh nghiệp quyết định nhưng nhiều doanh nghiệp lại "quên" quy định này gây khó khăn cho người lao động, việc ký thỏa ước với người lao động cũng khó thực hiện.
Anh Trần Trung Phong, công nhân một công ty may tại huyện huyện Bình Giang. Ảnh: Thành Chung
Anh Nguyễn Văn Hà, đại diện Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam băn khoăn về nhà ở xã hội cho công nhân. Anh Hà nêu nguyện vọng cho người lao động mong muốn được ở trong các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó có công nhân. Anh Hà đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm có giải pháp để thực hiện nguyện vọng này của công nhân.
Đề xuất đến việc nhiều cơ quan nhà nước xuống doanh nghiệp kiểm tra nhưng công đoàn doanh nghiệp không được tham gia và biết được kết quả kiểm tra, đại diện công đoàn của nhiều doanh nghiệp đề xuất được tham gia các buổi kiểm tra để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các chế độ của doanh nghiệp đối với công nhân lao động.
8 giờ 20: Đại diện công nhân Công ty TNHH May Phú Nguyên (Nam Sách) đặt câu hỏi về cách nào để phát hiện giấy ra viện giả và trường hợp sử dụng giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh của công nhân, người lao động. Nếu công nhân, người lao động vi phạm quy định này sẽ bị xử lý như thế nào?
Giám đốc BHXH tỉnh Đoàn Thị Trinh cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đối tượng cố tình trục lợi bảo hiểm y tế. Ảnh: Thành Chung
Bà Đoàn Thị Trinh, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh (BHXH) nêu thực trạng công nhân của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đi khám bệnh nhưng lại xin, mua giấy khám bệnh, nghỉ ổm hoặc giấy ra viện.Việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan bảo hiểm sẽ làm đúng quy trình tra cứu, giám định lịch sử khám, chữa bệnh của người lao động, qua đó xác định được những đối tượng trục lợi bảo hiểm. Khi phát hiện dấu hiệu khả nghi sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra, phát hiện sớm tình trạng trục lợi bảo hiểm. Qua đó đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
8 giờ 23:
Công nhân của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam đề nghị cho biết theo quy định, lao động nữ khi nạo hút thai được chi trả theo đúng tuổi thai nhưng hiện nay lại đang thực hiện theo mức chung? Tại sao lại có sự thay đổi đó. Nếu người lao động muốn đi làm trước thì có vừa được hưởng lương vừa hưởng chế độ BHXH không?
Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết nếu người lao động đã nghỉ 4 tháng nhưng muốn đi làm và được doanh nghiệp chấp nhận cho đi làm thì có thể vẫn được hưởng tiền lương và chế độ BHXH theo quy định. Cơ quan BHXH tiếp thu ý kiến của công nhân và người lao động. Đồng thời sẽ sớm trả lời bằng văn bản đối với các câu hỏi dài và đỏi hỏi cần có dẫn chứng theo các quy định cụ thể.
8 giờ 35:
Đại diện công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam nêu thực trạng nhiều công nhân ở xa công ty, không có điều kiện ở trọ, phải đi lại xa, đề nghị tỉnh cho biết rõ hơn về định hướng của tỉnh trong việc triển khai nhà ở xã hội cho công nhân?
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) cho biết sẽ cắt một phần đất trong KCN để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Trước khi quy hoạch KCN sẽ nghiên cứu, bố trí điểm xây dựng khu nhà ở công nhân phù hợp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đặt câu hỏi liệu các KCN đã đi vào hoạt động có thể điều chỉnh để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân hay không?
Đại diện Ban Quản lý các KCN cho biết một số KCN không còn diện tích để quy hoạch nhà ở cho công nhân. Do đó, đơn vị đề xuất mở rộng thêm diện tích đất lân cận để xây dựng nhà ở xã hội và các điểm dịch vụ phục vụ nhu cầu. Hiện nay, trong KCN Lai Vu còn khoảng 5 ha đất có thể quy hoạch để làm nhà ở. Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN sẽ xây dựng phần đất này thành nhà ở cho công nhân.
8 giờ 42:
Đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn lao Động Việt Nam cho rằng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hiện nay mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Do vậy, nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động còn rất lớn. Ông Thuật cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt Đề án thiết chế công đoàn. Theo đề án này, công nhân không chỉ có nhà ở mà còn các thiết chế phục vụ vui chơi, giải trí, có cả nhà trẻ, trường học cho con em công nhân. Khu thiết chế công đoàn được xây dựng từ nguồn phí công đoàn, tiết kiệm chi thường xuyên của công đoàn, tiền của người mua và ngân sách hỗ trợ của nhà nước.
Hải Dương cũng đã chọn khu công nghiệp Tân Trường với diện tích hơn 4 ha để xây dựng khu thiết chế cho công nhân. Nếu có quỹ đất sạch khoảng 2 năm sẽ hoàn thành các công trình hạ tầng phụ vụ cuộc sống cho công nhân.
8 giờ 51:
Trả lời câu hỏi vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách về BHXH nhưng người lao động không được giám sát, không được biết?
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm. Ảnh: Thành Chung
Ông Khiêm cho biết thêm thực hiện quy chế dân chủ trong làm việc, Ban Chấp hành công đoàn doanh nghiệp phải thông qua giao ước làm việc. Sở LĐTBXH quan tâm tới vấn đề này, hằng năm đều tuyên truyền đều đặn. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đều đưa nội dung này vào để đánh giá mức độ thực hiện quy chế. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành LĐTBXH sẽ thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này.Không đồng tình với trả lời của ông Khiêm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xi măng Phúc Sơn cho biết nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra được đưa ra nhưng kết quả không được thông báo tới công đoàn nên đoàn viên không nắm bắt được.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xi măng Phúc Sơn. Ảnh: Thành Chung
Nêu ví dụ 1 thẻ bảo hiểm y tế khám cho 15 công nhân, Chủ tịch Công đoàn TNHH Xi măng Phúc Sơn đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng sát sao hơn trong việc quản lý các quy định liên quan đến lợi ích công nhân, người lao động.
9 giờ 00:
Câu hỏi và những băn khoăn của Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xi măng Phúc Sơn được nhiều công nhân, người lao động dự tại hội nghị đồng tình.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vũ Hồng Khiêm cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại diện công ty. Trả lời về việc khám chữa bệnh cho công nhân theo quy định doanh nghiệp phải thực hiện khám chữa bệnh định kỳ cho công nhân, ông Khiêm tiếp thu và cho biết phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách cho người lao động. Sở sẽ sớm làm việc với BHXH tỉnh tìm giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
9 giờ 10:
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Nisei Việt Nam cho biết lương của công nhân chủ yếu trả qua tài khoản nhưng cây rút tiền trong KCN còn ít, đề nghị đặt thêm ATM trong KCN? Đề nghị tỉnh lắp đặt hệ thống đèn báo giao thông ở ngã tư Mao Điền, có đèn chiếu sáng ở khu vực này.
Anh Phạm Văn Đoán, công nhân Công ty TNHH Kefico Việt Nam cho biết Hải Dương thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh. KCN Đại An có nhiều doanh nghiệp, thu hút rất nhiều công nhân đến làm việc. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế. Đoạn đường Vũ Công Đáng đi qua UBND phường Tứ Minh, Đại học Thành Đông rất hẹp, dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông. Đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét sớm triển khai mở rộng tuyến đường này.
Anh Hà Trung Chính, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam đóng trên địa bàn xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang. Ảnh: Thành Chung
Đại diện công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam đóng trên địa bàn xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang cho biết cách cổng công ty 500m về phía cầu Ràm có vòng xuyến, có nhiều cát sỏi do xe chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị tỉnh lắp dèn chiếu sáng ở cung đường từ thị trấn Tứ Kỳ đến cụm công nghiệp Nghĩa An để tránh một số đối tượng lợi dụng trời tối cướp giật đồ của công nhân.
Chị Nguyễn Thị Luyến, công nhân Công ty TNHH Máy Brother Việt Nam cho biết công nhân đi lại qua cầu Cậy (Bình Giang) nhiều, trong khi mặt cầu hẹp, 2 bên đường người dân lại lấn chiếm bán hàng nên gây ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm đã ảnh hưởng tới đi lại của người dân.
9 giờ 15:
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý KCN trả lời thắc mắc của công nhân liên quan đến hạ tầng của các KCN của tỉnh.
Ông Phương thừa nhận công nhân nữ đang gặp rất nhiều khó khăn do con nhỏ lại phải làm ca kíp. Có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến đời sống cho lao động nữ nhưng theo quy định hiện nay trong khuôn viên doanh nghiệp không được xây dựng nhà ở hoặc nhà trẻ cho con em công nhân. Hội Phụ nữ tỉnh cũng đang thực hiện Đề án 404 xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ lao động nữ trong KCN.
Ông Phương cho biết đã đề xuất các cơ quan liên quan cho phép các doanh nghiệp được xây dựng nhà trẻ cho công nhân. Thời gian tới, khi xây dựng KCN, tỉnh sẽ giành diện tích xây dựng thiết chế văn hóa riêng, trong đó có nhà trẻ cho con công nhân.
Ông Phương đề nghị thành phố lắp đèn giao thông ở cổng chính ở KCN Đại An. Trước việc cổng KCN Đại An có quá nhiều gờ giảm tốc ảnh hưởng đến đi lại của công nhân, Ban Quản lý KCN đã đề nghị KCN Đại An sơn phản quang ở các gờ cao tốc để công nhân, người lao động dễ quát sát khi đi làm ca đêm.
9 giờ 30:
Trả lời các nội dung liên quan đến hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân, người lao động, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương cho biết tỉnh rất quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vào KCN nhưng nhiều tuyến đường chậm triển khai hoặc chậm tiến độ là do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung
Đồng chí Nguyễn Anh Cương cho biết tỉnh có chủ trương xây dựng cầu Cậy mới theo hình thức BOT nhưng Chính phủ quy định không áp dụng BOT vào các tuyến đường có sẵn nên dự án tạm dừng. UBND tỉnh đã kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy làm đường mới để giải tỏa ách tắc ở khu vực này.
Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, điều phối, phân luồng và cấm xe trọng tải lớn đi qua cầu Cậy. Các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang tăng cường quản lý để giảm thiểu ách tắc. Một số vấn đề liên quan như tình trạng rơi vãi cát sỏi, thiếu hệ thống chiếu sáng ở vòng xuyến khu vực cầu Ràm (Ninh Giang), tỉnh sẽ kiểm tra và xử lý trong thời gian sớm nhất.
9 giờ 52:
Công nhân của Công ty TNHH Laurel Diamonds (KCN Đại An) tiếp tục kiến nghị liên quan đến giao thông. Cụ thể, khu dân cư Bá Liễu nhiều đoạn bị đào bới, sửa chữa nhưng kéo dài quá lâu ảnh hưởng đến đi lại của người dân, trong đó có nhiều công nhân lao động.
Nhiều công nhân kiến nghị về việc mất an ninh trật tự tại các khu nhà trọ. Khu dân cư Tứ Thông (TP Hải Dương) thường xuyên xảy ra tình trạng cướp giật tài sản của công nhân khi đi làm ca.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương cho biết nguyên nhân do một số hộ còn chưa quan tâm đến việc hiến đất để làm đường nên phải kéo dài thời gian thi công. Đồng chí Nguyễn Anh Cương đề nghị Chủ tịch UBND TP Hải Dương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường này, tránh để ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Chủ tịch UBND TP Hải Dương Vũ Tiến Phụng. Ảnh: Thành Chung
Chủ tịch UBND TP Hải Dương Vũ Tiến Phụng cho biết thành phố đang điều chỉnh quy hoạch phường Tứ Minh để giải phóng mặt bằng khu dân cư Xuân Dương. Sau khi giải phóng xong, công nhân đi lại sẽ thuận tiện hơn. Về việc lắp đặt đèn tín hiệu ở đường gom trước cổng KCN Đại An, ông Phụng khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ lắp đèn tín hiệu ở đây.
Về an ninh trật tự ở phường Tứ Minh, ông Phụng cho biết tới đây sẽ tăng cường lực lượng công an để chấn chỉnh an ninh trật tự tại các KCN và các khu dân cư xung quanh KCN.
9 giờ 55:
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam. Ảnh: Thành Chung
Đại diện công nhân Công ty TNHH Laurelton Diamonds ở KCN Đại An cho biết đường gom An Định vừa mở tạo thuận lợi cho công nhân đi lại song quán ăn nhà hàng mọc lên nhiều, xe đỗ tràn lan, cản trở giao thông nên công nhân thường xuyên đi làm muộn.
Khu vực chợ Tứ Minh, hàng quán lấn chiếm lòng đường, gây ách tắc giao thông. Xe đưa đón công nhân của Công ty Nam Yang thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tại vòng xuyến giữa đường Trường Chinh và đường 30.10, Cảnh sát giao thông thường bắt chặn công nhân lao động mỗi ngày một lỗi khác nhau mà không có giải thích thỏa đáng. Tại vòng xuyến từ quốc lộ 5 vào đường Nguyễn Lương Bằng, công nhân cũng hay bị bắt phạt do không xi nhan rẽ phải trong khi đó là lối đi thẳng. Đề nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể cho công nhân đi đúng cách.
Ông Vũ Tiến Phụng tiếp thu ý kiến, cam kết sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải để xử lý dứt điểm việc dừng đỗ trái phép tại đường gom An Định. Thành phố đang có dự án trồng cây xanh ở dải phân cách quốc lộ 5 nên sẽ nghiên cứu phương án trồng cây ở các điểm xe hay dừng đỗ để khắc phục tình trạng trên.
Trước khi Phó Giám đốc Công an tỉnh Lê Quý Thường trả lời thắc mắc của công nhân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh vấn đề xử phạt người tham gia giao thông không chấp hành quy định phải cân nhắc trên tinh thần hướng dẫn công nhân thực hiện theo pháp luật chứ không nặng nề vấn đề phạt hành chính.
10 giờ 00:
Về ý kiến của công nhân liên tục bị lực lượng công an giao thông bắt giữ và xử phạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lê Quý Thường cho biết mỗi công nhân, người lao động trước hết phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Lê Quý Thường. Ảnh: Thành Chung
Trường hợp lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt không đúng, công nhân, người lao động có thể phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của lực lượng từ cấp phường, xã đến cấp tỉnh. Ông Thường cho biết lực lượng công an sẽ tiếp thu và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những bức xúc của công nhân, người lao động. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường mở các lớp tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ đến công nhân của doanh nghiệp.
10 giờ 08:
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân ở KCN Đại An băn khoăn vì sao Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) không có thẻ học sinh. Tình trạng học thêm, dạy thêm tại sao vẫn diễn ra tràn lan. Ngành giáo dục có phải thu học phí buổi 2 không?
Anh Phạm Duy Long, công nhân Xí nghiệp Giao thông vận tải Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để mua nhà ở.
Nhiều công nhân nữ lo ngại tình trạng mất vệ sinh và xuống cấp của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương.
Công ty TNHH Long Hải (Gia Lộc) kiến nghị quan tâm tổ chức mô hình bình ổn giá, các siêu thị mi ni cửa hàng tự chọn để công nhân được mua hàng chất lượng tốt với giá cả hợp lý.
10 giờ 20:
Trả lời ý kiến của công nhân vì sao Trường THCS Tứ Minh không có thẻ học sinh, ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết không bắt buộc học sinh phải có thẻ, việc này tùy thuộc vào yêu cầu của từng trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Lương. Ảnh: Thành Chung
Về việc nhiều trường tổ chức họp phụ huynh vào ngày làm việc, gây khó khăn cho công nhân lao động, ông Lương cho biết sở chỉ đạo các trường chỉ tổ chức họp phụ huynh vào 2 thời điểm: ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn làm việc vào thứ 7 nên sở sẽ chỉ đạo các trường chọn thời điểm họp phụ huynh phù hợp nhất.
Ông Lương cho biết thêm học tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống phải đóng học phí riêng vì đây là môn học tự chọn. Tuy nhiên, mức học phí phải được sự thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh. Về vấn đề dạy thêm, học thêm, ông Lương thừa nhận đã giảm được nhiều nhưng vẫn chưa triệt để. Thời gian tới, sở sẽ tiếp thu và có biện pháp khắc phục tình trạng này.
Về việc đầu tư sửa chữa, xây mới trường lớp, ông Lương cho biết hằng năm, tỉnh vẫn đầu tư nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu các nhà trường. Tỉnh khuyến khích xã hội hóa để sửa chữa cơ sở vật chất trường học. Tuy nhiên, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng thu các khoản xã hội hóa từ người học để phục vụ nhu cầu nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất nên việc đáp ứng đủ cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết nhiều doanh nghiệp mong muốn thành lập các điểm trường trong KCN, theo quy định có vướng mắc gì không?
Ông Vũ Văn Lương cho biết về mặt thủ tục không có khó khăn, vướng mắc nào nhưng vấn đề là các doanh nghiệp có quyết tâm thành lập trường cho con em công nhân hay không.
Ông Lương cho biết hiện nay có Công ty TNHH May BVT (TP Hải Dương) và Công ty CP Khai thác khoáng sản Hải Dương (Kinh Môn) không nằm trong KCN nhưng tự xây dựng nhà trẻ cho con công nhân. Nếu doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị, sở cam kết sẽ giải quyết thủ tục thành lập các điểm trường trong KCN trong 3 ngày.
10 giờ 35:
Trả lời thắc mắc của công nhân về cây ATM trong KCN quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu giao dịch, ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho biết thời gian qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng mạng lưới cây ATM. Toàn tỉnh hiện có 281 cây ATM, trong đó có trên 90 cây đặt tại các KCN, cơ bản đáp ứng được nhu cầu rút tiền của công nhân và doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Ông Hùng đề nghị công nhân, doanh nghiệp tích cực sử dụng thẻ trong thanh toán, hạn chế rút tiền mặt tại cây ATM bởi sử dụng tiền mặt nhiều trong thanh toán sẽ không có lợi cho nền kinh tế. Nếu phát hiện cây ATM bị lỗi, công nhân, lao động gọi qua đường dây nóng để ngân hàng khắc phục kịp thời.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất với công nhân, người thu nhập thấp, ông Hùng cho biết ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp. Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai các chương trình cho vay vốn ưu đãi. Trong đó có chương trình cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm...
10 giờ 50:
Trả lời kiến nghị công nhân về xây dựng các cửa hàng mi ni hoặc gian hàng bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân, người lao động, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thanh Hải cho biết tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức các chương trình đưa hàng Việt có giá bình ổn về bán tại các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh đang thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ để không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động ở các chợ mà còn được kiểm soát chặt về giá bán. Tỉnh đã có hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ phát triển rộng khắp ở TP Hải Dương. Sắp tới sẽ mở thêm ở các khu dân cư gần các KCN để đáp ứng nhu cầu mua ngoài giờ của công nhân, người lao động.
10 gờ 55:
Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi các nội dung liên quan tới việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu trao đổi các nội dung liên quan tới việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động. Ảnh: Thành Chung
Đồng chí Lương Văn Cầu khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tới đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động nhưng vẫn còn một số hạn chế. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đúng những cam kết với công nhân, người lao động đã nêu trong hội nghị này.
Về những hạn chế về cơ sở vật chất của Bệnh viện Phụ sản, tỉnh đã có dự án nâng cấp bằng nguồn vốn ODA. UBND tỉnh cam kết sẽ triển khai theo đúng tiến độ. Việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu đề nghị các doanh nghiệp phản ánh cụ thể để tỉnh kiểm tra, giám sát, tránh hình thức trong việc thực hiện quyền lợi cho công nhân, người lao động.
Về việc thành lập trường học trong KCN, tỉnh sẽ khảo sát nhu cầu học tập của con em công nhân để hình thành mạng lưới điểm trường trong KCN. Về việc bảo đảm an ninh trật tự, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh rà soát thực hiện đề án làng an toàn, khu dân cư an toàn để chủ động đẩy lùi tội phạm, tệ nạn.
11 giờ 00:
Sau khi nghe 21 lượt ý kiến của công nhân, người lao động và doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định tất cả ý kiến sẽ được lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tiếp thu và trả lời thỏa đáng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định tất cả ý kiến sẽ được lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tiếp thu và trả lời thỏa đáng. Ảnh: Thành Chung
Đồng chí Nguyễn Dương Thái yêu cầu các tổ chức, đoàn thể của tỉnh cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công nhân, người lao động, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ để không chỉ lắng nghe, tiếp thu mà cần có những việc làm cụ thể giải quyết thấu đáo những kiến nghị đã nêu.
11 giờ 20:
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định Hải Dương tổ chức hội nghị đối thoại để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của công nhân, người lao động đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tới lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trả lời một số vấn đề công nhân, người lao động nêu. Ảnh: Thành Chung
Nhiều nội dung liên quan đến chính sách, đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành giải đáp thỏa đáng. Đây là động lực để công nhân, người lao động tiếp tục phát huy sáng tạo, chủ động trong sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cần sâu sát hơn nữa để bảo đảm quyền lợi của công nhân, người lao động. Doanh nghiệp quan tâm xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nhân lao động phải thực sự tin tưởng vào chính quyền, doanh nghiệp, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
11 giờ 40:
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ những vấn đề liên quan đến chính sách cho người lao động thì cơ quan liên quan cần tiếp tục cập nhật. Những vướng mắc mà doanh nghiệp và công nhân vừa kiến nghị, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì phải giải quyết ngay. Liên Đoàn Lao động tỉnh tập hợp kiến nghị của công nhân, doanh nghiệp để tham mưu cho tỉnh sửa đổi và thực hiện phù hợp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trước hết người lao động phải hăng say cống hiến, lao động sản xuất. Doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người lao động. Tỉnh cần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp làm ăn kinh doanh.
Liên quan đến cơ chế, chính sách của tỉnh, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân, người lao động làm việc trong môi trường tốt nhất. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Về vấn đề nhà ở xã hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định Hải Dương sẽ sớm triển khai thiết chế công đoàn. Đồng chí giao UBND tỉnh xem xét, khảo sát vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở cho công nhân. Lãnh đạo các địa phương kiểm tra những KCN nào còn quỹ đất để nghiên cứu triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân.
Để công nhân yên tâm làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng phải làm cách nào để công nhân có thể an cư lạc nghiệp. Để làm được điều này, ngoài việc quan tâm đến chính sách lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh trật tự.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát các quy định hiện hành để đưa ra phương án tối ưu trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống công nhân, người lao động. Tỉnh sẽ căn cứ vào những kiến nghị và những cam kết giải quyết của các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện, giải quyết các kiến nghị để đánh giá thi đua. Công khai những cam kết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết kiếm nghị của công nhân, lao động và doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng.
LAN ANH - NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG