Vụ 7 người chết trong đêm nhạc hội: Công khai bán bóng cười
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:15, 19/09/2018
Chất cấm được nhiều bạn trẻ “nhét vào ngực” mang vào
Chia sẻ với PV về lễ hội âm nhạc điện tử diễn ra tối 16.9, anh Phạm Anh (36 tuổi, quận Hoàn Kiếm) cho biết, Ban Tổ chức (BTC) kém nhất là khâu an ninh. Tuy có chia làm 2 cửa “Có đồ” và “Không có đồ”, nhưng bảo vệ soát đồ chỉ hỏi có thuốc hay bật lửa gì không. Chỉ cần trả lời “không có” là có thể qua cửa dễ dàng. Ngoài ra, lối đi giữa 2 sân khấu chính còn được trưng dụng làm nơi bán bóng cười. Mặc dù loại hình này đã bị cấm, ngay cả trên phố cổ muốn mua cũng phải lén lút. Thế nhưng ở đây những bình bơm bóng đặt ngay lối đi, bơm trực tiếp cho khách với giá 200 ngàn đồng/quả.
Nhân viên bơm bóng có đeo thẻ của BTC. Là một người ở khu vực phố cổ, nơi vẫn thường xuyên có hiện tượng hút bóng cười, anh Phạm Anh vẫn không khỏi ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy một chương trình ca nhạc công khai bán bóng cười như vậy.
Hình ảnh những thanh niên sử dụng “bóng cười” tại những quán bar, quán cà phê đã gây phản cảm và sự lo lắng đối với nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Gần như thành một trào lưu, cứ nơi nào có nhạc mạnh, nơi đó sẽ có chất kích thích, ở đây bóng cười được BTC công khai kinh doanh như một sự “hiểu ngầm” là một chương trình được sử dụng chất kích thích.
Anh Lê Minh Hoàn (quê Hạ Long), người trực tiếp tham gia lễ hội âm nhạc vẫn còn chưa hết ám ảnh kinh hoàng trong lễ hội âm nhạc vừa qua. Hoàn cho biết ở đêm nhạc việc bán bóng cười lại diễn ra công khai ngay tại lối đi giữa hai sân khấu. “Mình thấy nhiều người bán bóng cười công khai ở lễ hội. Ở mấy festival trước thì mình không thấy ai bán như thế, an ninh có kiểm tra đồ nhưng em thấy các chị nhét “thuốc cấm” vào áo ngực, em có chứng kiến các chị ý lôi “thuốc cấm” từ áo ngực ra dùng”, Hoàn nhớ lại.
Bóng cười được bán, sử dụng công khai trong đêm nhạc hội khiến 7 người tử vong
Còn theo bạn Nguyễn Mai C. (SN 1999, ở Hà Nội) người tham gia trực tiếp lễ hội âm nhạc điện tử này cho biết hoạt động bán bóng cười, chất kích thích diễn ra công khai. “Lúc đầu thì em không thấy có bán, đến giữa chương trình, khi mọi người phê nhạc thì nhiều người bắt đầu bán bóng cười công khai. Mình thấy người ta truyền tay nhau rất nhiều bóng. Vì bóng cười to không giấu được nên ai cũng biết”, bạn C. chia sẻ.
Cũng theo C., việc mang bóng cười, chất kích thích vào lễ hội phần lớn là do ý thức của người tham gia chương trình. C. mô tả, chương trình chia ra 2 cửa ra vào, bảo vệ kiểm soát đồ hỏi có thuốc hay bật lửa gì không. Những người vào đêm nhạc hội trả lời không có thì có thể vào. “Bình bơm bóng cười đặt ngay lối đi, bán trực tiếp cho khách với giá 200 nghìn đồng/quả. Nhân viên bơm bóng có đeo thẻ giống như thẻ của BTC. Thấy nhiều người chơi hàng cấm tại lễ hội, nhưng sau đó phê và mất mình rất sốc. Nhớ lại cảnh kinh hoàng đó mình còn nổi da gà”, bạn N.M.C. chia sẻ.
Khi xảy ra sự việc, anh Vĩ thấy 3-4 xe cấp cứu đỗ ở ngoài, bác sĩ mang cáng chạy vào trong. Anh nghĩ một số người bị ngất, không dám tin có người chết. Bản thân anh buồn và xót xa khi biết một nạn nhân là người quen.
“Người tham gia nhạc hội thường có tâm lý chung là 1.000 người tham gia như 1.000 anh em. Bởi nhạc không phải ai cũng nghe và chia sẻ với nhau được. Đêm qua, tôi ở đó biết tin một người tử vong, tờ mờ sáng lên 4, rồi sáng nay đã lên đến 7 nạn nhân. Tôi thấy sốc và xót xa, không biết con số còn tăng lên không”, anh Vĩ chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Thái Yên (23 tuổi) người tham gia chương trình nhớ lại: BTC bố trí 3 sân khấu gồm một chính và 2 phụ. Từ cổng ra vào, mọi người di chuyển theo sân khấu 1, 2, 3. Sân 3 là cuối cùng, cũng là sân khấu chính. Công viên nước Hồ Tây cũng là không gian ngoài trời, nhưng BTC lại bố trí mô hình trong nhà có mái che, rèm quây lại như chiếc hộp kín.
Một đầu sân khấu được chặn bởi sân khấu dành cho DJ, đầu kia là nơi mọi người đi ra đi vào. Còn lại phần không gian trái, phải và mái được che kín như bưng. Cách bố trí này khiến anh Vĩ cảm thấy ngạt thở. Gần hết đêm nhạc, BTC có lẽ nhận thấy có người bị ngất nên mới cho kéo toàn bộ rèm lên. Trước đó, không gian gần như phủ kín 100%.
“Mình với bạn đứng cách cổng ra vào khoảng 5 m, nhưng nghe nhạc được một lúc tôi phải bỏ ra ngoài vì quá ngột ngạt. Tôi đứng ngoài còn thấy thế, mọi người đứng ở trong khu vực 20-30 m đến sân khấu có lẽ còn không thở nổi”, Yên kể.
Chưa thể xử lý tận gốc “bóng cười”
Về khí kích thích có tên bóng cười, thời gian gần đây đã quá quen thuộc với giới trẻ. Chỉ cần ra phố cổ Hà Nội những ngày cuối tuần, có thể thấy đâu đâu cũng có loại hình này, từ quán café đến quán bia vỉa hè. Dù đã bị kiểm tra, xử lý nhiều nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn cố tình vi phạm. Được biết, mỗi kg khí này có thể bơm được gần 100 quả bóng cười, thu lãi 6 - 7 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra chỉ khoảng 500.000 đồng.
Theo đại diện UBND phường Hàng Buồm, dân kinh doanh bóng cười hoạt động khá tinh vi, thường trong quán không bao giờ có bình bơm bóng, mà thường giấu trong những ngóc ngách phố cổ. Chỉ khi khách yêu cầu, họ mới bơm bóng mang ra đưa khách rồi thu tiền ngay. Hơn nữa, khí N2O không phải chất cấm nên gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử lý.
Trong quá trình kiểm tra một số cơ sở đã xuất trình hóa đơn chứng từ hàng hóa khí N2O, nên lực lượng chức năng chỉ có thể dừng lại ở việc xử lý hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không có giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh hóa chất, như vậy không xử lý được tận gốc vấn đề. Những vi phạm này còn vượt quá thẩm quyền xử phạt của phường nên đều được chuyển cho Đội QLTT xử lý.
Đại diện Đội QLTT số 2 cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp cùng Công an thành phố phát hiện, thu giữ hàng trăm bình chứa khí N2O bơm bóng cười. Tuy tình trạng buôn bán, kinh doanh khí cười đã không còn công khai như trước, nhưng do đây là một trong những loại được phép nhập khẩu để sử dụng trong ngành công nghiệp hóa chất, nên rất khó cho ngành chức năng vì không thể quy mặt hàng khí N2O là hàng nhập lậu. Chủ yếu xử lý theo hình thức mặt hàng kinh doanh có điều kiện, xử phạt với số tiền hơn 7 triệu đồng.
Sau sự kiện âm nhạc khiến 7 người tử vong vừa qua, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho biết Sở vừa tạm dừng cấp phép cho một đêm nhạc có DJ nước ngoài tại Hà Nội vào cuối tháng 9 tới. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tạm dừng toàn bộ các chương trình có yếu tố DJ để chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Khởi tố vụ án 7 người chết sau đêm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây
Chiều 18.9, cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự với hai tội danh “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” và “ Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” để điều tra vụ 7 người chết, 5 người hôn mê sau khi tham gia lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội.
Lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây có chủ đề Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) được xin cấp phép với tên Đại nhạc hội Mùa thu do Công ty TNHH Kết nối Á Châu (Connected Agency) tổ chức đã được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cấp phép số 566/GP – SVH&TT ngày 31.8.2018. Cty TNHH Kết nối Á Châu (Connected Agency) được thành lập vào ngày 18.8.2015, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Trao đổi với đại diện Cty qua điện thoại về vấn đề an ninh lỏng lẻo và tổ chức bán bóng cười, vị này từ chối trả lời và cho biết đang làm việc với cơ quan điều tra.
HIỂU MINH (Tiền phong)