Sạt lở bãi sông Kinh Thầy, người dân hoang mang

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:30, 21/09/2018

9 giờ ngày 20.9, bãi đê tả sông Kinh Thầy thuộc thôn Chí Linh 3, xã Nhân Huệ (Chí Linh) bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân xuống lòng sông.


Điểm sạt lấn sâu vào hiên nhà của gia đình bà Bùi Thị Miền

Hiện điểm sạt vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu sạt lở thêm, khiến các hộ dân sinh sống ở khu vực này hoang mang, lo lắng.

Bà Bùi Thị Miền vẫn chưa hết bàng hoàng về sự cố sạt lở đã lấy đi toàn bộ tài sản của gia đình bà. Khuôn mặt thất thần với đôi mắt đỏ au hướng về dòng nước đang chảy xiết, bà Miền xót xa: "Mới hôm trước, tôi còn cắt cỏ ở gần bụi tre trồng mép sông vậy mà chưa đầy một giờ, 700 m2 đất của gia đình đã trôi theo dòng nước kéo theo chuồng lợn, chuồng gà và hơn 100 cây ăn quả của gia đình. Giờ sạt đã tới hiên nhà, chắc chỉ nay mai chúng tôi sẽ mất cả nhà. Chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào trong những ngày sắp tới".

Toàn bộ công trình phụ và chuồng trại của gia đình bà Miền bị sạt xuống lòng sông

Vừa đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại và cải tạo khu vườn trồng 2.000 cây cà chua, bà Nguyễn Thị Khuông không thể ngờ gia đình bà bị mất tất cả chỉ trong chớp mắt. Khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã hỗ trợ nhà bà Khuông di chuyển tài sản tới nơi an toàn và động viên các thành viên trong gia đình tới nhà văn hoá xã ở tạm thời. Nhà bà Khuông nằm trong khu vực nguy hiểm, không được phép ra vào song bà và chồng vẫn thức trắng đêm túc trực vì sợ sạt lở tiếp, gây thiệt hại thêm. Bà thẫn thờ nói: "Hai vợ chồng tôi vất vả nhiều năm mới xây dựng được cơ ngơi khang trang như hiện tại, vậy mà bỗng chốc tiêu tan. Nguồn thu của gia đình dựa vào chăn nuôi, trồng trọt đã mất hết, ngôi nhà vừa mới xây cũng có nguy cơ sạt xuống sông. Gia đình tôi có 5 thế hệ sinh sống, để bảo đảm an toàn, trước mắt tôi phải nhờ họ hàng cho mẹ già, cháu nhỏ ở tạm. Còn về cuộc sống sau này của gia đình, tôi chưa dám nghĩ tới".

Người dân liều mình xuống sông để vớt những tài sản còn sót lại

Dù gia đình không nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm nhưng 1 ngày nay, ông Bùi Văn Sơn luôn có mặt tại hiện trường để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại. Chứng kiến diễn biến sạt lở ngay từ đầu, ông Sơn kể: "Sạt lở bất ngờ khiến các hộ không kịp trở tay. Song vẫn còn may vì sự cố xảy ra vào ban ngày chứ nếu vào ban đêm thì thiệt hại sẽ khó lường. Hiện trên mặt bãi xuất hiện nhiều vết nứt sâu nên các hộ lo lắng khu vực này sẽ sạt lở tiếp. Chúng tôi rất bất an, không thể tập trung làm những công việc khác", ông Sơn nói.

Ông Phan Văn Như di chuyển số cây ăn quả còn lại để đề phòng sạt lở tiếp tục xảy ra

Ông Nguyễn Văn Đản, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: "Ngay khi sự cố xảy ra, chính quyền xã đã huy động các đoàn thể giúp đỡ các hộ bị thiệt hại di chuyển tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm và bố trí nơi ở tạm thời. Đồng thời chủ động tham mưu cho thị xã và các ngành liên quan phương án hỗ trợ và xử lý sự cố, giúp các hộ nhanh chóng ổn định cuộc sống".

Các đoàn thể giúp đỡ gia đình bị thiệt hại di chuyển đồ đạc tới nơi an toàn

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Chí Linh, đến 11 giờ ngày 21.9, khu bãi đê tả sông Kinh Thầy đã bị sạt lở gần 1 ha. Trong đó có 5.266 m2 đất thổ cư, còn lại là đất công điền. Sự cố này đã gây thiệt hại về nhà ở, công trình phụ, chuồng trại và vật nuôi của 6 hộ dân. Hiện 6 hộ đã được di dời đến khu vực an toàn. Tuy nhiên điểm sạt lở đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ sạt thêm. Vì vậy nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì hậu quả rất khó lường vì khu vực sạt lở nằm ngoài đê bối Nhân Huệ, không có hệ thống đê điều bảo vệ và hiện đang có 70 hộ dân sinh sống.

Lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra điểm sạt lở

NGUYỄN MƠ​