Lắng nghe dân để hành động
Chính trị - Ngày đăng : 08:39, 22/09/2018
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Chính phủ diễn ra vào trung tuần tháng 9, khi đề cập đến trách nhiệm của “công bộc” với dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh rằng: “Nếu cán bộ, công chức không có ý thức lấy người dân làm đối tượng phục vụ, là công bộc của dân sẽ sinh ra nhũng nhiễu, cửa quyền”.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình một lần nữa cho thấy chủ trương chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm đang dần trở thành hiện thực. Phó Thủ tướng cũng thể hiện thái độ kiên quyết khi truy trách nhiệm đối với các địa phương, đơn vị, cá nhân còn chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đề cập đến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, Phó Thủ tướng lưu ý rằng đã hứa với dân thì phải làm hết sức mình, làm sai, làm chậm thì phải xin lỗi dân...
Trong vài năm trở lại đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, với nỗ lực xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và gần gũi với người dân, doanh nghiệp. Kết quả, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từng bước có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm, tính minh bạch của chính quyền các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho đơn vị, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình một lần nữa cho thấy thông điệp của Chính phủ là rất rõ ràng, xuyên suốt. Đây không phải là phát biểu chung chung, thiếu căn cứ, mà “nói có sách, mách có chứng” khi Phó Thủ tướng dẫn chứng những vụ việc chậm trễ cụ thể như cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... mà lỗi không từ phía người dân, doanh nghiệp. Nổi cộm là chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn là gánh nặng với người dân; cán bộ tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính còn sách nhiễu, gây phiền hà... đã tạo kẽ hở cho bên thứ ba móc ngoặc với cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhằm trục lợi. Đó là hiện tượng "cò". Bởi vậy, cần có thái độ nghiêm túc trong việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi để xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, hách dịch, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ khi thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ngay từ những vụ việc dù nhỏ, thì mới có thể tháo gỡ, khai thông được những nút thắt lâu nay vẫn tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nói khác đi, chỉ có nghiêm túc, quyết liệt trong việc làm rõ và xử lý sai phạm để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước thì niềm tin của người dân vào đội ngũ công bộc mới được củng cố.
Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng. Cùng với những thành tựu đã đạt được, còn không ít yếu kém, bất cập cần được tháo gỡ, đặc biệt là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Để giải quyết tận gốc vấn đề, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có tầm, có tâm, thấm nhuần tư tưởng, phong cách làm việc vì dân.
YẾN NHI