Côn Sơn "thay áo mới"

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 13:25, 22/09/2018

Côn Sơn ngày càng tươi đẹp khi được trùng tu, tôn tạo thường xuyên. Khoác lên mình "tấm áo mới", khu di tích này trở thành địa chỉ du lịch tâm linh được nhiều du khách quay lại nhiều lần.


Thắng cảnh Côn Sơn ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn du khách đến tham quan

Ngỡ ngàng khung cảnh trước chùa

Đầu tháng 8 âm lịch, khi Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 còn chưa diễn ra, du khách từ khắp nơi về đây tham quan, chiêm bái đã đông hơn ngày thường. Bước chân qua cánh cổng chùa Côn Sơn, vợ chồng chị Trần Minh Nguyệt đến từ TP Thái Bình ngạc nhiên trước quang cảnh trước mắt. "Ngày trước chỗ này toàn hàng quán lụp xụp chứ đâu có vườn hoa, cây cảnh đẹp như thế này. Tam quan kia được xây dựng từ bao giờ tôi không biết nhưng rất đẹp và tạo được điểm nhấn. Tôi rất bất ngờ vì nơi đây đẹp hơn nhiều so với 5 năm trước khi chúng tôi đến lần đầu", chị Nguyệt cho biết.

Sự bất ngờ của chị Nguyệt cũng là cảm xúc chung của nhiều người khi trở lại khu di tích Côn Sơn mùa thu này. Còn những du khách lần đầu đặt chân đến đây đều tỏ ra thích thú khi được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp trong không gian linh thiêng. Một du khách Pháp theo đoàn từ Hà Nội đi Quảng Ninh ghé thăm khu di tích Côn Sơn chia sẻ: "Các bạn có một khu tham quan rất tuyệt vời với những công trình, hiện vật chứa đựng nhiều giá trị. Tôi thích thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành ở nơi này".

Diện mạo khu di tích Côn Sơn đã và đang thay đổi phù hợp với quy hoạch tổng thể  được phê duyệt. Tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã huy động nguồn xã hội hóa tiến hành hạ giải nhà kho, khu nhà bếp cũ, san tản mặt bằng trên diện tích khoảng 3.000m2. Tại diện tích này đã xây dựng hệ thống thoát nước, tường hoa xung quanh, phân ô trồng thông và các loại hoa ngũ sắc, mẫu đơn, mười giờ, cỏ Nhật... Thời điểm này, các loại hoa đang đua nhau tỏa hương sắc khiến du khách về đây thêm hân hoan, phấn chấn. 

Trước đó, tỉnh đã chỉ đạo di chuyển 105 hàng quán dịch vụ, ăn uống ra cạnh bến xe để trả lại sự thông thoáng, thanh tịnh chốn cửa thiền. Nền đất cũ của hệ thống hàng quán được láng bê tông, xây bồn hoa, trồng thêm cây xanh, đặt ghế đá cho du khách nghỉ chân. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo công trình lầu chuông, gác trống theo kiểu chữ “nhất”, dài 13,6 m, rộng 8,1 m, gồm 5 gian, 2 tầng mái. Phía sau lầu chuông, gác trống, sân chùa được sửa chữa lại; xây 2 dãy tiền tả hành lang (mỗi bên 18 gian rộng 3,9 m), tạo thành bình đồ kiến trúc nội công ngoại quốc. Công trình này vừa mang giá trị nghệ thuật Phật giáo, vừa phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung của chùa Côn Sơn. Không chỉ được trùng tu, tôn tạo nhiều công trình lớn, khuôn viên chùa Côn Sơn còn được vệ sinh sạch sẽ, quy hoạch gọn gàng, trồng thêm cây cảnh, trang trí thêm cờ phướn, đèn lồng, hệ thống điện… Tất cả đã góp phần làm cho không gian chốn cửa thiền thêm rực rỡ, linh thiêng.


 Hàng quán lộn xộn trong khu di tích Côn Sơn đã được thay bằng vườn hoa, cây cảnh

Tiếp tục tôn tạo

Về thăm Côn Sơn năm 1965, Bác Hồ từng căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương phải làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, phải biến Côn Sơn thành “chốn tùng lâm đẹp đẽ”. Thực hiện lời dạy của Bác, từ năm 1994 đến nay, tỉnh ta tiến hành trùng tu chống xuống cấp hàng loạt hạng mục ở Côn Sơn như tam quan, nhà tổ, nhà bia, tháp Huyền Quang, tòa tiền đường, thượng điện, gác chuông, giếng Ngọc, nền nhà Nguyễn Trãi, đường lên Thanh Hư Động, Thạch Bàn... Từ năm 2000 - 2015, tiếp tục tôn tạo, phục hồi, xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, nhà bia trên nền nhà cũ Nguyễn Trãi, đường lên Ngũ Nhạc, nhà tả, dãy hành lang bên phải chùa Côn Sơn, cầu Thấu Ngọc, Thanh Hư Động... Từ năm 2015 đến nay, tiếp tục trùng tu, tôn tạo lầu chuông, gác trống, dãy hành lang bên trái chùa Côn Sơn và khuôn viên di tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, việc trùng tu, tôn tạo đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, làm tăng giá trị thẩm mỹ, công năng sử dụng, phát triển du lịch... của khu di tích. Hiện di tích Côn Sơn vẫn còn thiếu một số công trình so với ngôi chùa xưa được ghi trong sử sách và bia ký. Vì vậy, cuối tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý di tích tiếp tục báo cáo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án tôn tạo giếng Ngọc, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát dựa trên cơ sở khoa học và kết quả khai quật khảo cổ học.

Theo phương án đã được Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thỏa thuận, giếng Ngọc cũ sẽ được hạ giải, tôn tạo bằng đá xanh nguyên khối với chiều cao 0,7m, dày 0,45 m, đường kính trong 1,76m, đường kính ngoài 2,66m. Thành giếng được chạm hoa văn cúc dây, thân giếng chạm hình cánh sen, phần dưới chạm sóng nước thủy ba. Sân giếng sẽ được làm rộng 100m2, lát đá xanh. Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được thiết kế theo lối phương đình, 2tầng 8 mái, cao 9,05 m. Lầu thờ gồm 3 gian, gian chính giữa rộng 3,7m, 2 gian bên rộng 1,9m. Gian giữa đặt tượng thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài hoa sen... "Nếu được chấp thuận thì sau khi Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay kết thúc, chúng tôi sẽ tiến hành tôn tạo những di tích này", bà Liên cho biết. 

 TIẾN MẠNH