Cái hàng rào

Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:06, 23/09/2018

Chục năm về trước, hai mái nhà cách nhau hai chục bước chân, chơ vơ trên mảnh đất rộng hơn nghìn mét vuông. Đi chung cổng. Không hàng rào phân định ranh giới. Cần gì họ cứ sang lấy của nhau.



Chục năm về trước, hai mái nhà cách nhau hai chục bước chân, chơ vơ trên mảnh đất rộng hơn nghìn mét vuông. Đi chung cổng. Không hàng rào phân định ranh giới. Cần gì họ cứ sang lấy của nhau. Không cần hỏi trước. Cũng chẳng cần báo sau. Từ hạt muối đến ngọn rau, từ bơ gạo đến con cá con tôm. Ban đêm, họ sang nhà nhau, nằm gác chân lên nhau tán gẫu. Nhiều khi còn ngủ lại. Mối quan hệ của họ như anh em ruột thịt. "Lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt". Ai cũng nghĩ như thế. Người làng luôn lấy hình mẫu của họ để khuyên bảo con cái: "Chẳng cần phải vác sách đi đâu học cho mệt. Mở mắt ra mà nhìn thằng Tích, thằng Văn đấy". Lũ thanh niên choai choai thì im lặng. Số đã đi làm ở các doanh nghiệp thì cười khẩy: "Hãy chờ xem. Chẳng có gì là vĩnh cửu hết". 

Nhưng mọi chuyện giờ đã khác. Nó bắt đầu từ khi Tích lấy vợ. Đứng ngắm cảnh trơ hoác của khu đất, cô Tích bảo: "Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ". Nửa tháng sau cô Tích giục chồng: "Yêu nhau rào giậu cho kín". Vợ Tích sinh ra trong một gia đình khá giả trên thị trấn, có cửa hàng cửa hiệu khang trang. Ngày vu quy, cô được gia đình, họ hàng cho một số vốn lớn. Với lại cô không quen cái cảnh người ra vào nhà mình như cái chợ. Tích vốn nể vợ, đem chuyện làm cái hàng rào ra bàn với Văn. Văn bảo: "Tùy mày. Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu". Hôm đóng cọc phân chia, nhìn vợ chồng Tích đo đo vẽ vẽ, Văn gạt đi: "Tao với mày là anh em, so đo làm gì. Chỗ này được chưa?". Thế là hai cái cọc sắt được đóng xuống. Ban đầu nó chỉ là cái hàng rào lưa thưa. Vài ba gốc duối dại, dăm bụi song mây, mấy cái gộc tre. Vẫn đi lại sang nhau. Rồi Văn lấy vợ. Cô Văn con nhà nghèo, lấy cây lúa củ khoai, con lợn, con gà làm nguồn sống chính. Mấy năm sau cái hàng rào bằng cây ấy tốt um, dầy cả mét.

Từ ngày có phong trào nông thôn mới, đường trong thôn được bê tông hóa. Con đường chạy qua nhà hai người thành đường liên xã. Vài ba công ty tư nhân về xã tìm đất xây dựng nhà xưởng sản xuất. Lại có người ở xa đến mua đất, mua nhà. Đất đai tự nhiên tăng giá vùn vụt. Cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp nhà Tích đắt như tôm tươi. Cô Văn ngứa mắt bảo chồng: "Đúng là nước chảy chỗ trũng. Sao trước kia anh dại thế. Cho nó cả mét đất". Văn gạt đi: "Em lạ thật. Chuyện xa xưa nhắc lại làm gì". Cô Văn gầm lên: "Anh ăn ở đâu? Anh mặc ở đâu? Tiền học của con cái nữa. Hàng trăm khoản phải dùng. Chắc anh in được tiền?". Văn thầm nghĩ: "Đúng là đàn bà". Không ngờ cô Văn tiếp lời: "Anh nghĩ tốt, nhưng bụng dạ chúng nó có nghĩ như anh đâu. Đây này". Nói xong cô vào bếp quăng ra sân từng con gà đã chết. Hai chục con. "Bạn anh tốt nhỉ?". Thế này là thế nào? Văn chưa hiểu. Nhà Văn nuôi rất nhiều gà vịt. Đếm không xuể. Thi thoảng cũng chết dăm ba con. Văn nghĩ chắc nó bị bệnh hoặc con chuột, con rắn cắn. Lần này thì khác. Chết nhiều quá. Chỉ hơn tháng nữa thôi anh sẽ có khoản tiền lớn. Cộng thêm số tiền tiết kiệm, anh sẽ làm lại nhà. Giờ thì mất bạc triệu. Số tiền đủ để cho hai đứa con mua áo quần, sách vở ngày khai giảng. Văn hất hàm: “Tại sao?”. "À. Bạn anh đánh bả, gà sang ăn, chết lăn quay luôn. Thế này là nó triệt đường sống nhà mình rồi". Cô khóc nỉ non. Người lành vốn hay cục tính. Nghe vợ khóc, Văn không chịu nổi. Lòng anh bừng bừng lửa giận. Văn ngồi phịch xuống đất, rút bao thuốc, châm lửa. Anh rít lấy rít để như để nguôi cơn giận. Cơn giận không nguôi mà như có vẻ đang dâng đầy. Chuyện hai chục con gà chết như giọt nước tràn ly.

Hồi đầu năm, hàng bưởi ven rào hoa trắng cây. Nhìn thích mắt. Vợ chồng Văn hy vọng tràn trề. Đây là giống bưởi quý. Văn đã cất công vào mấy tỉnh phía nam chọn giống. Trời không phụ công người. Năm ngoái bán được khối tiền. Cô Văn đã có vàng đeo lủng liểng. Hàng bưởi vươn cao, xòe sang lối đi nhà Tích. Thế mà cái xe tải chở hàng nhà Tích đi đứng thế nào quệt cả dãy. Cành gãy ngổn ngang, bao nhiêu hoa rụng sạch. Hy vọng tan như bong bóng xà phòng. Văn nén giận, sang nói chuyện với Tích. Tích cười hì hì: "Xin lỗi. Đừng cáu. Thằng lái xe vô ý quá. Để tao bắt nó bồi thường". Nó nói vậy nhưng đâu có thấy cắc bạc nào. Nửa năm rồi. Nỗi hậm hực cứ chồng chất trong lòng vợ chồng Văn. Đến hôm nay thì không thể chịu nổi. Cô Văn nói trong nước mắt: "Mình càng im nó càng lấn tới. Anh không xử thì để tôi xử". Văn nặng nề đứng lên: "Được. Mày hại tao một thì phải hứng chịu hậu quả mười".

Đó là một buổi sáng oi nồng như báo hiệu sắp có dông tố. Những ngọn gió trốn biệt. Xóm làng im phăng phắc. Hai người đứng đối diện. Tay cầm con dao lớn, mắt ngầu đỏ, Văn thét: "Mày là thằng khốn nạn. Tao đã phải cắn răng chịu đựng nhiều rồi. Giờ mày phải đền những tội lỗi do vợ chồng mày gây ra". Sự căng thẳng cộng thêm tính xưa nay vốn ít nói, khiến Văn khó khăn lắm mới phát ra đầy đủ ý mình. Tích bảo: "Giận quá mất khôn đấy. Mấy con gà là chuyện nhỏ. Tình cảm tao với mày mới là chuyện lớn. Cả năm nay tao bận quá. Ngược xuôi tìm đầu ra nên không sang mày nói chuyện được. Bên tao nhiều chuột lắm. Con vợ tao lại đểnh đoảng trong việc đánh bả nên mới xảy ra cơ sự. Thôi để tao đền". "Nó lại mang tiền ra dọa mình", Văn nghĩ. Cơn giận càng sôi sùng sục. Văn thét: "Tao không cần tiền". "Vậy mày cần cái gì?". Văn chỉ thẳng con dao vào mặt Tích: "Tao cần cái mạng của mày". Mấy người đi làm đồng qua thấy ầm ĩ, xúm vào can ngăn. Công an lôi hai người về ủy ban, bắt nộp phạt vì lỗi gây mất trật tự an ninh. Tích nhận mình có lỗi. Anh nộp phạt cho cả hai người. Con dao Văn cầm bị tịch thu. Ra khỏi ủy ban, Văn ngoảnh lại bảo: "Chưa xong đâu. Cứ đợi đấy". Lũ trai làng cười nhếch mép.

Nửa đêm hôm ấy vang tiếng đập gấp gáp vào cửa nhà Tích. Tích vùng dậy hỏi: "Ai đó?". "Tao đây. Văn đây". Tiếng đáp khiến Tích giật mình. Anh rón rén nhấc con dao to bản. Tiếng đập cửa mạnh hơn, nhanh hơn. Tích hỏi: "Mày cần gì? Khuya rồi, về đi, mai nói chuyện". Tiếng Văn đứt quãng trong hơi thở, khẩn thiết van nài: "Con tao, cái Ngần đấy, nó đau bụng quằn quại. Mày chở giúp đi bệnh viện với". Tích thăm dò: "Mày định lừa tao?". Văn lập bập: "Không, không dám. Con tao đang nguy cấp. Nó đau quá. Mày có nghe thấy tiếng con Ngần kêu la không?". Tích nghiêng tai lắng nghe. Đúng tiếng con Ngần. Năm nay nó học lớp 2 trường làng. Ngoan ngoãn, học giỏi. Tích quý nó lắm. Anh thường giấu vợ chồng Văn việc cung cấp sách vở tiền học cho nó. Có lần anh mua bộ áo quần mới nhưng phải nói dối nhặt được. Tích hấp tấp mở tung cửa, lao ra xe, nổ máy. Cô Tích chạy theo bảo chồng: "Tiền đây, anh gắng lo cho chu tất". Con Ngần quằn quại trong tay mẹ, mắt trợn ngược, khuôn mặt méo mó. Quãng đường chục cây số từ nhà đến huyện mà sao hôm nay xa thế. Cô Văn luôn miệng giục: "Mau lên anh Tích". Chiếc xe lầm lũi xuyên vào bóng đêm. Ông bác sĩ trực cấp cứu tại bệnh viện sau khi khám xong cho con Ngần, thở ra nhẹ nhõm: "Cháu bị đau ruột thừa. Rất may đã đến kịp".

Sau chục ngày, con Ngần ra viện. Nhẹ nhàng như nó vừa đi chơi xa đâu về. Hồng hào khỏe mạnh. Vợ chồng Tích sang thăm. Lại cho quà. Cô Văn rơm rớm nước mắt: "Vợ chồng em cảm ơn anh chị Tích. Nói dại, đêm ấy không có anh chị thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Anh chị lại còn lo cho cháu mọi chi phí nằm viện nữa. Công ơn này lớn lắm...". Tích cười ngắt lời: "Đừng khách sáo như thế, cô Văn. Chúng tôi là anh em mà. Vợ chồng tôi cũng có lỗi, bận làm ăn quá, chẳng khi nào sang thăm bạn được". Văn im lặng nghe vợ nói chuyện với vợ chồng Tích, lòng anh dịu xuống. Phải rồi. Mấy chục năm trước họ từng là anh em thân thiết. Những ngày xa xưa đầy gian nan cực khổ ấy như một cuốn phim diễu qua trí nhớ của Văn.

Hơn hai chục năm rồi, nơi họ đang ở bây giờ khi ấy chỉ là cánh đồng ngập nước và lau lách. Những mỏm đất nhô lên là vương quốc của các loài chim, rắn. Chỉ cần một trận mưa, mưa nhỏ thôi, nước cũng đầy ăm ắp. Một khu đồng chỉ xa làng có hơn cây số thôi mà sao vời vợi. Có người can đảm nhận thầu thả cá, nuôi vịt. Nhưng nước chưa đủ độ sâu. Mùa nóng, mùa rét cá chết nổi ngửa bụng, trắng đầm. Vịt nuôi hao hụt như luộc rau muống. Con rắn cắn cáo ăn, con chuột tha quạ mổ. Kết cục thảm hại quá. Từ đó không ai dám nhận nữa. Có thể họ vào làm ở các công ty, tiền ngay thóc thật. Mọi lời khuyến cáo của chính quyền không làm họ rung động. Thời  điểm đó có hai chàng trai ở tận cuối huyện đến xin được phục hóa mấy ha cánh đồng đó. Họ chính là Tích và Văn. "Ông xã" đồng ý liền. Vừa không bỏ phí đất đai như "ông huyện" nhắc nhở. Hai chàng trai không hề quản ngại công việc nặng nhọc. Họ động viên nhau: "Đã thấm tháp gì so với những ngày làm thợ sơn tràng nơi ma thiêng nước độc. Lang thang cả tháng trong rừng sâu như kẻ ngậm ngải tìm trầm". Sức trẻ bật dậy dồn vào bốn bàn tay chai sạn. Họ đắp đập be bờ. Họ phát lau nhổ cỏ. Họ cào đất nơi cao xuống nơi trũng thấp. Họ dựng ngay một cái lều giữa cánh đồng nước mênh mông. Những đêm đầy sao, hai người nằm ngửa trên tấm ván còn nguyên vết xẻ nham nhở. Bàn tính công việc ngày mai và mơ ước tương lai. "Này Văn, sau này có vợ rồi, chúng mình sẽ ra sao nhỉ?". Một đêm không ngủ, Tích chợt hỏi. Văn chắc nịch: "Chúng mình vẫn là anh em". "Ừ, tao cũng  mong như thế".

Sớm nay, sau khi mài con dao phát cây thật sắc, Văn mặc độc một cái quần cộc, xăm xăm đi về phía hàng rào. Cái hàng rào rậm và dày quá. Đã có lần Tích bảo phát vợi đi, nhưng Văn không nghe. Giờ thì Văn phải làm một mình thôi. Mỗi nhát phạt vào hàng rào, lòng Văn nhẹ đi một chút. Nó như cái hàng rào mỏng dần. "Chắc thằng Tích sẽ hài lòng". Chợt Văn nghe như có ai cũng đang phạt phía đầu kia. Cái hàng rào rung động mạnh hơn. Cành và lá rụng rào rào. Sức lực trong người Văn tăng hơn. Khi hai khuôn mặt giáp nhau ở đoạn giữa, Văn làm như thản nhiên, nói trống không: "Rậm rạp quá, mất hết cả lối đi". Tích nói không chủ ngữ: "Hình như có rắn. Sợ nó làm tổ nên hôm nay vội phát quang". Lúc này hai người mới có khoảng thời gian nhìn lại cái hàng rào, như nhìn lại quá khứ. Bốn mắt nhìn nhau. Trên gương mặt xuất hiện nụ cười. "Có cần để lối thông không?" - Tích hỏi. "Cần lắm, cần lắm" - Văn đáp lời. Bỗng dưng cả hai phá lên cười. Giọng cười tuy còn ngượng ngập nhưng vẫn là cười. Sau cơn bão, bầu trời luôn trong sáng.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN