Theo dấu tiền giả

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 08:08, 23/09/2018

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức hoạt động nhằm trốn tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn công khai rao bán tiền giả trên mạng xã hội.

Mẹ con đối tượng Đồng Thị Miền (66 tuổi) và Dương Thị Thoa (42 tuổi) cùng trú tại thôn Lũy Dương, xã Gia Lương (Gia Lộc) bị bắt vì tàng trữ gần 58 triệu Việt Nam đồng tiền giả

Thủ đoạn tinh vi

Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi tìm đến trang Facebook “Mua bán tiền giả uy tín chất lượng” với hơn 1.300 thành viên ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó có cả thành viên là người Hải Dương. Giống như tên của trang Facebook, nội dung hiển thị trong này toàn là những thông tin mua bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, từ 50.000-500.000 đồng. Để lấy lòng tin của khách hàng, các nickname trên trang Facebook này còn chèn thêm một số hình ảnh về nội dung trao đổi, lời cảm ơn của khách khi đã nhận được hàng và không quên khẳng định chất lượng của các loại tiền này giống đến 98% tiền thật mà người thường khó nhận biết được…

Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy nickname “Trần Văn Thanh” thường xuyên đăng tải thông tin rao bán tiền giả tại đây và được khá nhiều người chú ý, bình luận hoặc ngỏ ý muốn mua. Kiểm tra Facebook cá nhân của người này, chúng tôi không thấy ảnh cá nhân mà chỉ có hình ảnh rao bán tiền giả. Qua các nội dung trao đổi mua bán trên trang Facebook này, chúng tôi thấy từ người kinh doanh, người cần trả nợ, đóng tiền lãi… khi có nhu cầu đều có thể đặt mua tiền giả với số lượng lớn từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mà không cần tiền đặt cọc. Để tạo sự thân thiện, chủ Facebook còn cẩn thận dặn dò khách không giao dịch ở nơi có máy đếm tiền, ngân hàng, hiệu vàng… Nếu phát hiện "hàng" có lỗi, khách có thể đổi trả sau từ 7-10 ngày kể từ thời điểm nhận hàng.

Để tìm hiểu sâu hơn về hoạt động này, chúng tôi vào vai một khách cần mua tiền giả và liên hệ với nick "Trần Văn Thanh”. Sau nhiều ngày đặt vấn đề nhưng không thấy hồi âm, chúng tôi tưởng đối tượng không "cắn câu". Nhưng điều kỳ lạ là những ngày sau có một số Facebook lạ yêu cầu kết bạn với chúng tôi. Tìm hiểu qua nhóm bạn bè của họ, chúng tôi phát hiện tất cả những chủ Facebook này đều là bạn của Facebook “Trần Văn Thanh”. Chỉ đến khi chúng tôi xác nhận lời mời kết bạn, “Trần Văn Thanh” mới đồng ý kết bạn và phản hồi lời đề nghị của chúng tôi.

Có lẽ cảm thấy chúng tôi an toàn nên lời đầu tiên “Trần Văn Thanh” đã đi thẳng vào vấn đề: “B (bạn) muốn mua tiền giả đúng không? B muốn mua bao nhiêu ạ?”.

Để tránh bị nghi ngờ, tôi trả lời cộc lốc: “3 triệu đổi được bao nhiêu?".

“3 triệu được 30 tr nha bạn ơi”, "Trần Văn Thanh" trả lời.

“Mình tưởng 1 triệu đổi được 12?”, tôi thắc mắc (để cho vai diễn được chuyên nghiệp) thì được trả lời rằng nếu là khách quen thì 1 ăn được 12.

Sau khi đã thống nhất nội dung, “Trần Văn Thanh” yêu cầu chúng tôi cung cấp tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại di động và xác thực việc giao dịch sẽ diễn ra vào cuối giờ chiều cùng ngày. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi đã cho tên, số điện thoại khác ở một địa chỉ đã định tại một khu tập thể ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Trước giờ hẹn gần 2 tiếng, chúng tôi đã có mặt ở một vị trí gần điểm hẹn để có thể quan sát đối tượng. 

Quá 30 phút rồi 60 phút trôi qua nhưng chúng tôi không thấy ai liên hệ bằng số điện thoại đã cung cấp. Con đường chúng tôi chọn cũng khá vắng vẻ, thi thoảng có người đi xe máy qua nhưng chưa thấy ai dừng lại. Mặc dù khá sốt ruột nhưng để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi không nhắn tin và tiếp tục chờ đợi. Sau thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ, đối tượng nhắn tin lại với nội dung: “Hôm nay đông khách, hết hàng nên hẹn 3 hôm nữa bạn nhé!”.

Một người bạn của chúng tôi công tác trong lực lượng công an chia sẻ, các đối tượng buôn bán tiền giả có phương thức hoạt động rất tinh vi. Với người lạ, người lần đầu tiên giao dịch, chúng thường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác minh hoặc đảo địa điểm, thời gian hẹn để thăm dò xem có phải bị giăng bẫy không. Một số đối tượng còn yêu cầu chuyển một phần hoặc toàn bộ số tiền đặt cọc vào tài khoản mới chuyển hàng cho khách.

Không khó để tìm những thông tin rao bán tiền giả trên các trang mạng xã hội

Cũng theo lời chia sẻ của người bạn này, việc giao tiền cũng được thực hiện rất cẩn trọng. Các đối tượng bán tiền giả ít khi trực tiếp giao dịch với khách, thường thuê shipper (người chở hàng) giao hàng. Tiền giả sẽ được đóng kín như hộp quà, phía ngoài có ghi địa chỉ, họ tên, số điện thoại người nhận và không ai biết bên trong chứa đồ gì. Ngoài ra, một số đối tượng có lực lượng “chân rết” ở các địa phương. “Chân rết” là người có quan hệ từ trước và luôn được tin tưởng. Khi có khách, những đối tượng này sẽ trực tiếp chuyển hàng và nhận tiền. Họ sẽ được chia hoa hồng theo thỏa thuận với đối tượng bán tiền. 

Ngoài “Trần Văn Thanh”, chúng tôi cũng liên hệ với một số Facebook khác có hoạt động rao bán tiền giả, trong đó có cả người đang sinh sống ở TP Hải Dương. Những địa chỉ này thường thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng đều có phương thức hoạt động giống nhau với những thủ đoạn tinh vi và sự cảnh giác cao độ.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Thời gian qua, các đối tượng buôn bán tiền giả luôn thay đổi phương thức hoạt động nhằm trốn tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ lực lượng công an tỉnh ta đã phát hiện, bắt giữ một số vụ án liên quan đến hoạt động phi pháp này.

Gần đây nhất, vào khoảng 11 giờ 20 ngày 5.5, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh phối hợp cùng Công an xã Gia Lương (Gia Lộc) bắt quả tang hai mẹ con ruột là Đồng Thị Miền (66 tuổi) và Dương Thị Thoa (42 tuổi) cùng thường trú tại thôn Lũy Dương, xã Gia Lương đang tàng trữ gần 58 triệu đồng tiền giả, loại tiền 200.000 Việt Nam đồng. Tại cơ quan điều tra, Miền khai nhận số tiền trên của một người đàn ông Trung Quốc đã quen từ trước cho để về trang trải chi tiêu trong quá trình điều trị bệnh. Miền đã đưa cho con gái, nói rõ đây là tiền giả và sai con mang cất giấu. Ngày 5.5, khi Miền sai con gái mang tiền về nhà mình thì đã bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 20.9.2017, lực lượng PC45 cũng phối hợp cùng Công an phường Bình Hàn (TP Hải Dương) phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Đoàn (59 tuổi) trú tại xã Hoành Sơn (Kinh Môn) và Trần Văn Đức (31 tuổi) trú tại xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đang tàng trữ trong người hơn 30 triệu đồng tiền giả. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai đã sang Trung Quốc để mua số tiền giả trên và mang về Hải Dương theo lời đề nghị của một đối tượng khác.  

Đại uý Phạm Thanh Tùng, cán bộ PC45 đã từng tham gia phá một số vụ án liên quan đến lĩnh vực này cho biết: “Để phá các vụ án liên quan đến tiền giả phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Có những vụ án kéo dài hàng năm. Từ khâu nắm bắt thông tin, xác định đối tượng đến quá trình trinh sát, điều tra, tổ chức mật phục, vây bắt, tất cả đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng vì khung hình phạt đối với tội danh lưu hành, buôn bán tiền giả rất nghiêm khắc. Những đối tượng này luôn cảnh giác và không thiếu chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng”.  

Trong quá trình lấy tư liệu cho bài viết, chúng tôi có cơ hội gặp Đại tá Nguyễn Văn Việt, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Ông đã chia sẻ cho chúng tôi nhiều thông tin và kỷ niệm liên quan đến các vụ án tiền giả. Ông nhớ nhất về vụ án tiền giả được phát hiện năm 2002. Khi ấy, điện thoại di động chưa được phổ biến, hệ thống thông tin, công nghệ kỹ thuật cũng chưa phát triển như bây giờ nên việc phá án gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở, đơn vị đã xác định được một đối tượng ở huyện Gia Lộc có hành vi mua bán tiền giả. Quá trình điều tra phá án diễn ra trong một thời gian dài do đối tượng có mối quan hệ phức tạp, trong đó có cả quan hệ với người Trung Quốc. Năm 2002, sau khi nắm rõ thông tin đối tượng đang vận chuyển tiền từ Lạng Sơn về Hải Dương, đơn vị đã tổ chức lực lượng bám sát di biến động và kịp thời tổ chức bắt giữ khi đối tượng vừa đặt chân đến địa bàn tỉnh ta. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn cả là đối tượng bị bắt trong vụ án này chính là Đồng Thị Miền, người mới bị bắt giữ vì tàng trữ tiền giả ngày 5.5 vừa qua. Đối tượng đã tái phạm.

Song song với hoạt động của đối tượng buôn bán tiền giả, các đối tượng lợi dụng hình thức này cũng bắt đầu xuất hiện. Theo lời của Đại uý Tùng, một số đối tượng đã mượn cách thức quảng cáo bán tiền giả trên mạng để lừa đảo. Theo đó, đối tượng sẽ yêu cầu người mua nộp tiền vào tài khoản rồi mới chuyển hàng. Tiền được chuyển đi nhưng hàng lại không thấy đâu, mọi liên lạc đều bị chặn.

QUỲNH VY