Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá
Kinh tế - Ngày đăng : 14:03, 24/09/2018
Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo do đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nêu rõ trong nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế tăng trưởng khá và ổn định, đạt mục tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,8%/năm (cao hơn bình quân cả nước). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,9%, dịch vụ tăng 8,0%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong nền kinh tế tăng từ 86,3% năm 2015 lên 90% năm 2018.
Điểm nổi bật là giá trị tăng trưởng sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,9% đạt mục tiêu đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ nét về chất lượng. Phấn đấu đến cuối năm 2018 bình quân mỗi xã đạt 17,8 tiêu chí, toàn tỉnh có 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,5%), vượt chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra (đến năm 2020 là 60%). Các huyện Kinh Môn và Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 12,8%/năm (mục tiêu 10,5-11%/năm); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,8% (mục tiêu 10,6-10,9%/năm). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo.
Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (theo giá năm 2010) tăng bình quân 8,1%/năm (mục tiêu tăng 7-7,2%). Mạng lưới thương mại và dịch vụ phát triển đa dạng về loại hình, chất lượng một số loại hình dịch vụ được nâng lên; đã hình thành và phát triển các loại hình thương mại hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...). Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 16,066 tỷ USD, tăng bình quân 13,1%/năm (mục tiêu tăng 16,5%/năm).
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn hằng năm đều tăng so với dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 3 năm 2016-2018 ước đạt 39.520 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 31.870 tỷ đồng (tăng bình quân 20,2%/năm). Từ năm 2017, tỉnh tự cân đối thu chi và có phần điều tiết về Trung ương.
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 36.267 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 8.921 tỷ đồng (tăng bình quân 36,9%/năm). Các khoản chi ngân sách hằng năm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển, thực hiện các Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, thực hiện các chính sách về an sinh, xã hội.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Trong 3 năm qua, tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là, tập trung khắc phục những tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa"; phối hợp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp...
Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 110.910 tỷ đồng (bình quân bằng 40,4% so với GRDP). Cơ cấu đầu tư tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Từ đầu năm 2016 đến tháng 6.2018, đã thu hút được 165 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 12.094,7 tỷ đồng. Thu hút được trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó vốn của các dự án cấp mới 455 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện đạt 1.170 triệu USD. Các dự án đã triển khai cơ bản, theo đúng tiến độ được phê duyệt. Đến nay, nhiều dự án hoàn thành đi vào hoạt động, duy trì sản xuất ổn định, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất với số vốn tăng khá.
Tỉnh đã ban hành, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và phát triển trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 12.000 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký 104.931 tỷ đồng, trong đó, có 382 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, cơ bản hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tập trung thực hiện thoái phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu còn lại
Trong nửa cuối nhiệm kỳ, Hải Dương tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Tháo gỡ vướng mắc trong tích tụ, tập trung ruộng đất, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các xã khó khăn để có điều kiện phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt 89%; tỷ lệ cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới 50%.
Nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao. Chú trọng phối hợp thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn, tiết kiệm năng lượng, chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên xây dựng các chợ đầu mối. Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn trọng điểm đông dân cư và tại các đô thị.
Tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính theo hướng minh bạch, hiệu quả, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát các lĩnh vực, các đơn vị còn nợ thuế, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ đọng thuế, chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế trong việc kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, kho bạc, hải quan…
Tiếp tục thực hiện đề án “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016- 2020”, phấn đấu cải thiện chỉ số PCI, không còn chỉ số thành phần dưới mức trung bình.
Ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tăng cường công tác thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Xử lý dứt điểm tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; tăng cường theo dõi, nắm bắt, đồng hành cùng doanh nghiệp; tháo gỡ, xử lý giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp…
PV