Đại hội Công đoàn XII: Mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn
Chính trị - Ngày đăng : 19:00, 26/09/2018
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu Bế mạc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam
Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, sau ba ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả (từ ngày 24-26.9), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 đã hoàn thành chương trình đề ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn.
*Gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân
Phát biểu tại Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và với Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tại buổi gặp gỡ, thảo luận với Đại hội Công đoàn XII về chủ đề: “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, mang lại lợi ích thiết thực và bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Uy tín trong đoàn viên Công đoàn, giai cấp công nhân ngày càng được lan tỏa. 946 đại biểu chính thức dự Đại hội là những hạt nhân nòng cốt của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc truyền cảm hứng cho công nhân, viên chức, lao động cả nước tích cực, nhiệt tình phát động và tham gia Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Điều này đã khẳng định được vị thế quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong việc góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước ta.
Với sự năng động, nhạy bén thích ứng với tình hình mới, 5 năm qua (2013-2018), Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra. Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên Công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức Công đoàn Việt Nam… Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.
*Đổi mới tổ chức và hoạt động ông đoàn
Từ những thành công trên, Đại hội xác định, Công đoàn Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề mới và rất lớn, đòi hỏi phải “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Các đại biểu dự Đại hội Công đoàn XII đã thống nhất mục tiêu của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, Công đoàn các cấp nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Đồng thời, Công đoàn các cấp tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội quyết nghị triển khai chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó là 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên, phấn đấu các doanh nghiệp có trên 10 lao động có tổ chức Công đoàn. Hàng năm, bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng năm có 80% trở lên Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh; triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật...tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 100% Công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; thu tài chính Công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của pháp luật...
Cùng với đó, Đại hội đã nêu các kiến nghị của công nhân viên chức lao động và đoàn viên, cán bộ Công đoàn cả nước với Đảng, Nhà nước. Trong đó, kiến nghị với Đảng 44 vấn đề, đề xuất có các giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW, tăng cường quán triệt sâu rộng đến các cấp ủy đảng và đảng viên về chủ trương và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, tăng cường phát triển đảng viên trong công nhân lao động...; kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ 6 vấn đề về hình thức, nội dung thỏa ước lao động tập thể; về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của công nhân viên chức lao động; Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phải gắn với quy hoạch, xây dựng nhà ở, trường học, khu hoạt động văn hóa tập trung, tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí, văn hóa xã hội và đời sống cho công nhân lao động; các cơ chế chính sách về xây dựng nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động có thu nhập thấp...
Tại phiên bế mạc Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách nặng nề mà Đảng và đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước giao phó. Đại hội khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn nỗ lực rèn luyện, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo TTXVN