Liệu có lách luật?

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 27/09/2018

Nhiều người lo ngại rằng sẽ có không ít đảng viên lợi dụng quy định về những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ... để sinh con thứ 3.

Mới đây, ngày 28.8.2018, Ban Bí thư đã ra Quy định 05-QĐi/TW bổ sung nhiều điểm mới về việc kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng và kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ vào Đảng thay thế Quy định 173-QĐ/TW ngày 11.3.2013.

Ngay khi quy định này được ban hành, đã có nhiều luồng ý kiến bàn luận sôi nổi. Đặc biệt là điểm 9, điều 2 quy định về những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ. Theo đó, trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp KHHGĐ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) sẽ không bị coi là vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ. Nhiều người lo ngại rằng sẽ có không ít đảng viên tìm cách "lách luật" ở điểm này. Bởi thực tế việc nạo phá thai dù ở độ tuổi nào đều ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người phụ nữ, thậm chí nếu không cẩn thận còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Những phụ nữ đã sinh đến con thứ ba thường đã luống tuổi, nếu phải nạo phá thai lại càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy sẽ không quá khó để họ xin xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương về nguy cơ ảnh hưởngtới sức khỏe nếu thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức vốn có nhiều mối quan hệ càng dễ bề nhờ vả. Kể cả khi không quen biết cũng có thể tìm cách "mua" giấy chứng nhận sức khỏe giả. Ở Hải Dương đã từng phát hiện đường dây cung cấp giấy ra viện giả, giấy chứng nhận sức khỏe mà không cần phải khám xét thực tế. Gần đây nhất, ngày 8.6, Sở Y tế đã có Công văn số 553/SYT-TTra gửi Báo Hải Dương về việc tiếp tục xử lý thông tin báo nêu liên quan đến sai phạm trong hoạt động cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy trình khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc. Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội vẫn có những tài khoản công khai rao bán giấy chứng nhận sức khỏe giả với giá chỉ bằng vài bát phở...

Cán bộ, công chức, viên chức hiện vẫn chiếm đa số trong lực lượng đảng viên ở các cơ sở đảng. Bấy lâu nay, do tuân thủ Quy định 173-QĐ/TW ngày 11.3.2013 nên rất ít đảng viên sinh con thứ ba, thứ tư. Nhiều người dù rất muốn sinh con thứ ba nhưng lại không đủ can đảm. Bởi nếu chấp nhận "vượt rào" đồng nghĩa với việc họ sẽ phải mất đi nhiều thứ, trong đó có cơ hội thăng tiến. Nhưng cũng có người vừa muốn sinh con thứ ba, vừa muốn không bị kỷ luật (phần lớn là để kiếm người "nối dõi tông đường") nên đã tìm cách lách luật.

Ở tỉnh ta từng có trường hợp cán bộ gửi vợ vào miền Nam sinh con xong một thời gian mới đón ra và hợp thức hóa bằng cách làm thủ tục biến con đẻ thành... con nuôi. Có trường hợp biến con lành thành con "què" bằng cách làm thủ tục để chứng nhận con có dấu hiệu không bình thường về tinh thần. Gần đây nhất, ngày 14.8.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đã ký Quyết định số 2918/QĐ-UBND kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Thư viện tỉnh đối với ông Đinh Xuân Quyện do thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ công chức... Trước đó, năm 2008, ông Quyện và vợ sinh con thứ ba, vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, nhưng ông Quyện đã không trung thực khi khai con đẻ là con nuôi.

Nhìn vào thực trạng trên thì lo ngại về việc sẽ có những đảng viên lợi dụng quy định mới để sinh thêm con thứ ba hoàn toàn có cơ sở. Để tránh những việc đã rồi, các tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường tuyên truyền để đảng viên hiểu đúng về quy định mới. Ngành y tế cần siết chặt quy trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe, kỷ luật nghiêm những nơi, những người cố ý làm trái. Bản thân mỗi đảng viên cũng nên cân nhắc kỹ giữa được và mất nếu quyết định sinh con thứ ba. Bởi dù có không ảnh hưởng tới danh lợi, địa vị nhưng việc sinh con khi đã cứng tuổi sẽ có những rủi ro cho cả người mẹ và đứa trẻ...

KIM THANH