Thổ Nhĩ Kỳ và thế cờ bí Syria
Thế giới - Ngày đăng : 10:27, 27/09/2018
Liệu Erdogan có từ bỏ Idlib đổi lấy thỏa thuận với Nga-Iran?
Tử chiến trực chờ
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đạt được một thỏa thuận với ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin tại cuộc họp ở Sochi (Nga). Thỏa thuận này cho phép thiết lập một vùng đệm giữa các lực lượng chính phủ và phe đối lập tại Idlib, khu vực phía tây bắc Syria. Động thái chủ yếu hướng tới việc ngăn chặn quân đội Damascus phát động chiến dịch quân sự quy mô khu vực này.
Theo nhiều chuyên gia, trận chiến Idlib có thể sẽ tránh được trong một sớm một chiều, song đây không phải giải pháp lâu dài. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hậu thuẫn từ Nga và Iran, hướng tới mục tiêu “quét sạch quân nổi dậy ở Idlib, bình định Syria”. Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria ngày càng bị thu hẹp khi Nga không ngừng hỗ trợ chính quyền Damascus thiết lập sự kiểm soát hoàn toàn tại Idlib và các khu vực xung quanh.
Sự hiện diện quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực trọng điểm trong sứ mệnh trinh sát Idlib được tăng cường nhằm ngăn chặn một thất bại chóng vánh khu vực này trước lực lượng chính phủ Syria. Động thái được cho là nỗ lực cứu vãn tình hình của Ankara trước “viễn cảnh không thể tránh khỏi”. Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), chi nhánh al-Qaeda và từng được biết đến với tên gọi Mặt trận al-Nusra là mục tiêu cần loại bỏ hiện tại của chính quyền Erdogan. HTS hiện kiểm soát quá nửa Idlib. Sự bành trướng khiến các tay súng Hồi giáo là cái cớ để Ankara tập trung các lực lượng này nhằm vào HTS.
Thế khó của Thổ Nhĩ Kỳ ở chỗ một mặt, mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington chưa thể tháo gỡ, mặt khác sự gia tăng nhanh chóng các thương vụ mua bán vũ khí cũng như các dự án năng lượng với Moskva khiến Ankara không thể công khai chống đối lại Điện Kremlin.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận Sochi vừa qua, dù mục tiêu đình chỉ vô thời hạn chiến dịch quân sự nhằm vào Idlib, song có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào. Sự trì hoãn hiện tại phần nào bắt nguồn từ e ngại của Moskva về “thảm kịch nhân đạo” có thể xảy ra khi quân đội Syria tấn công Idlib.
Đây là điều đã xảy ra tại Aleppo và Đông Ghouta, những nơi từng đạt thỏa thuận tương tự và sau đó bị phá vỡ. Quân đội chính phủ Syria, dưới sự hậu thuẫn từ Iran cũng như các tay súng lực lượng dân quân Shia đồng minh, đã loại bỏ hoàn toàn phe chống đối tại các khu vực này.
Lựa chọn khó khăn
Theo một phần của thỏa thuận Sochi, chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai chống lại HTS đã đẩy những tay súng thiện chiến lực lượng này vào chân tường. Một số ý kiến cho rằng rất có thể sức ép từ Ankara sẽ khiến HTS phá bỏ thỏa thuận, vốn buộc lực lượng này phải rút quân khỏi Idlib chậm nhất vào giữa tháng 10 tới. Tuy nhiên, sẽ rất khó để khiến lực lượng này “ngoan ngoãn” đầu hàng, khiến Thổ Nhĩ Kỳ “lúng túng” trong nước cờ “đổi chác” với Nga. Đây sẽ là cái cớ cho Bashar al-Assad và đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện tại Idlib.
Bối cảnh hiện tại đặt ra cho chính quyền Erdogan hai sự lựa chọn khó khăn. Ankara buộc phải tấn công quân sự chống lại quân đội Assad và đồng minh nhằm hỗ trợ lực lượng đối lập, đồng thời “gồng mình” chống đỡ sức mạnh không kích từ Nga. Tuy nhiên, kể từ sự kiện đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016, chiến dịch thanh trừng quy mô lớn trong quân đội đã khiến năng lực quân sự nước này sụt giảm đáng kể. Lựa chọn đáp trả quân sự với tương quan lực lượng bất cân xứng sẽ đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào thất bại, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín Tổng thống Erdogan. Nước cờ này sẽ khiến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tan tành, trong khi mối quan hệ Ankara-Washington đang rất xấu.
Erdogan cần nghĩ về sự lựa chọn thứ hai, đó là từ bỏ Idlib, cải thiện mối quan hệ với chính quyền Assad, thoát khỏi “thế bí” Syria. Ankara sẽ dừng hậu thuẫn lực lượng Quân đội Tự do Syria (FS). Song, nếu thảm kịch nhân đạo tại Idlib xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Ankara theo đó cần đạt được một thỏa thuận tay ba Nga-Thổ-Iran về vấn đề người tị nạn Syria. Một số nhà quan sát cho rằng dòng người di cư Syria sẽ được bảo đảm an toàn tại một khu vực nào đó gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không được phép tiến vào nước này.
Từ bỏ lợi ích tại Idlib, rạn nứt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cứu vãn. Theo truyền thông chính thống Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang cân nhắc nghiêm túc về hướng đi này. Giới chức trung thành với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đối đầu với Nga tại mặt trận Idlib sẽ khiến Ankara “mất nhiều hơn được”. Điều Erdogan nên làm là ủng hộ mục tiêu “bình định Syria” của Assad cũng như tính hợp pháp của chính quyền Syria.
Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn “ra đi tay trắng” thì điều Ankara cần, nếu muốn can thiệp quân sự tại Idlib là sự hậu thuẫn từ Washington. Tuy nhiên đây là điều khó đạt được. Ngược lại, Nhà Trắng có lẽ sẽ không ngăn cản Ankara rời khỏi “ván cờ Syria”. Giúp Thổ Nhĩ Kỳ, Donald Trump sẽ khiến nước Mỹ tiếp tục rơi vào một cuộc chiến lớn tại Trung Đông. Nhà Trắng dường như đang dần chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền Bashar al-Assad.
Trong bối cảnh hiện tại, chấp nhận từ bỏ lợi ích tại Syria bằng một thỏa thuận nào đó với Nga và Iran dường như là sự lựa chọn tốt nhất cho Ankara. Cho dù có thể bị nhìn nhận như một thất bại đối với cá nhân Tổng thống Tayyip Erdogan, song điều này sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi tính chất phức tạp của các lực lượng bên trong và xung quanh Syria.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)