Trẻ chơi với dị vật, hậu quả khôn lường
Xã hội - Ngày đăng : 11:53, 28/09/2018
Nếu không có sự giám sát của người lớn, trò chơi xúc cát làm từ những hạt nhựa nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ
Tháng 6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) phải gắp một chiếc lò xo trong thực quản cháu Vũ Huyền A. (7 tháng tuổi, ở phường Cộng Hòa, Chí Linh). Khi cháu A. được bà ngoại cho ăn thì đột nhiên quấy khóc, nôn nhiều. Sau đó, gia đình đưa cháu A. đến bệnh viện và được chẩn đoán bị hóc dị vật. Quan sát hình ảnh chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện ở thực quản của cháu A. có 1 dị vật hình dạng giống lò xo. Các bác sĩ tiến hành gây mê nội soi, gắp ra một chiếc lò xo 2 đầu nhọn han rỉ với khoảng 3,5 vòng cuộn, đường kính 0,8 cm.
Trường hợp của cháu Trần Thế H. (7 tuổi, ở xã Vĩnh Tuy, Bình Giang) cũng tương tự. Cách đây 1 năm, cháu H. nghịch hạt lạc, nhét vào mũi gây chèn ép đường thở. “Lúc đầu do hoảng hốt, sợ hãi nên cháu dùng tay móc hạt lạc ra nhưng không được, thậm chí càng đẩy sâu vào bên trong mũi”, anh Trần Thế Anh, bố của cháu H. cho biết. Rất may gia đình đã phát hiện kịp thời, đưa cháu H. vào bệnh viện để gắp hạt lạc ra.
Dị vật thường là những vật thông dụng trong gia đình như chiếc tăm, kim băng hay các loại hạt trái cây (hồng xiêm, hạt lạc, nhãn…), thức ăn (cháo, sữa, thạch rau câu…). Dị vật lọt vào đường thở thường xảy ra khi trẻ vừa ăn vừa cười, hoặc bú bình, ăn không đúng cách. Nhiều trẻ nhỏ tuổi bị hóc mảnh xương hoặc đồ chơi có kích thước nhỏ, nhọn. Tháng 8 vừa qua, Phòng khám Đa khoa Hồng Châu (Ninh Giang) đã tiếp nhận 2 trường hợp là cháu Nguyễn Hải L. (6 tuổi) và cháu Đào Hồng N.(8 tuổi) trên địa bàn huyện bị hóc xương cá.
Nhiều phụ huynh còn chủ quan khi cho trẻ chơi với dị vật tại các khu vui chơi. Chị Nguyễn Thị Huệ ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi thường xuyên cho con gái tự chơi tại khu vui chơi trong siêu thị. Tôi nghĩ các trò chơi như xúc cát, khu nhà tuyết… khá an toàn nên không cần phải theo sát hoặc trông nom. Nhiều lúc, tôi tận dụng thời gian trẻ hoạt động ở các khu vui chơi để mua sắm”.
Không ít trường hợp dị vật vô tình rơi vào đường thở hoặc thực quản, nếu không được xử lý đúng và kịp thời có thể gây nguy hiểm như: ngạt thở cấp khi dị vật vướng đường thở, viêm xoang khi dị vật mắc vào hốc mũi, thủng màng nhĩ đối với dị vật ở tai... Các bác sĩ cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc lấy dị vật vì có thể khiến dị vật mắc sâu hơn dễ gây nguy hiểm như chảy máu, nhiễm trùng... Trường hợp trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, không khóc được, không nói, cần phải lập tức có biện pháp sơ cứu cho trẻ như vỗ lưng ấn ngực, làm thông thoáng đường thở. Trường hợp trẻ bị hóc, nuốt phải dị vật phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Các bậc phụ huynh cần kiểm tra, loại bỏ các đồ vật sắc, nhọn ra khỏi tầm với của trẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, dành thời gian vui chơi cùng trẻ, lựa chọn đồ chơi an toàn và nhắc nhở về sự nguy hiểm với trẻ khi nuốt, nhét vật lạ vào miệng, tai, mũi… Việc sơ cứu là rất quan trọng. Vì vậy, các phụ huynh cần tự trang bị cho mình các cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật.
THẢO NGUYỄN