Xem xét, giải quyết, trả lời 100% kiến nghị của cử tri cả nước
Tin tức - Ngày đăng : 08:04, 29/09/2018
Cử tri phường 8, phường 9, thành phố Vĩnh Long nêu ý kiến trong một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Ngày 28.9, tại Hà Nội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với một số bộ, ngành xem xét về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh đây là hai báo cáo rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến cử tri, nhân dân và toàn bộ đời sống, xã hội. Đây cũng là cơ sở để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các đại biểu tham dự tích cực nghiên cứu, thảo luận để Ban Dân nguyện tiếp tục cập nhật và hoàn thiện hai dự thảo báo cáo chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.
Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 5, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.106 kiến nghị của cử tri. Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận 60 kiến nghị, trả lời đầy đủ 60/60 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận 1.996 kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế xã hội như giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, về nông nghiệp, nông thôn, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương... Nội dung các kiến nghị này đã được xem xét, giải quyết, trả lời 100%.
Điểm nổi bật là việc quản lý, theo dõi, giải quyết kiến nghị của cử tri đã có chuyển biến căn bản. Các bộ, ngành đã tổng hợp, thống kê nội dung, số lượng kiến nghị gắn với số lượng văn bản cần ban hành để điều chỉnh những nội dung cử tri kiến nghị, làm cơ sở cho việc tiếp thu, giải quyết được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ. Các kiến nghị tồn đọng đều đã được bộ, ngành xây dựng lộ trình và xác định thời hạn giải quyết xong.
Chất lượng giải quyết, nội dung, thời hạn trả lời của các bộ, ngành đã được các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Việc giải quyết kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đã được bộ, ngành tiếp thu khắc phục.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đã được nhiều bộ, ngành quan tâm thực hiện, cụ thể: Bộ Công an đã bỏ sáu Tổng cục, sáp nhập, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục xuống còn 60, giảm 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy... Đặc biệt, trước tình hình bạo hành trẻ em xảy ra ở một số nơi, tiếp thu kiến nghị cử tri, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em với 675 điểm cầu, khoảng 18.000 đại biểu dự.
Tuy nhiên, một số văn bản trả lời cử tri có nội dung rất chung chung, thiếu thống nhất; một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, nguồn thu của ngân sách nhà nước, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quá trình triển khai một số chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân chưa được giám sát, kiểm tra kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, gánh nặng thực thi thủ tục hành chính đối với nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực vẫn chưa được giảm thiểu, còn nhiều bất cập...
Dự thảo báo cáo nhấn mạnh cử tri mong muốn Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đúng mức, có chính kiến rõ ràng, nhanh và kịp thời trước những vấn đề tuy nhỏ nhưng có phạm vi ảnh hưởng sâu, rộng (tới từng nhà, từng người) để định hướng, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Cụ thể là vấn đề lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa, vấn đề thí điểm mô hình trường học VNEN, vấn đề tiến hành thực nghiệm quá lâu và trên một phạm vi rộng đối với chương trình Tiếng Việt 1, Công nghệ giáo dục mà chưa có tổng kết, đánh giá để cử tri có thông tin chính thức về những ưu điểm và nhược điểm của chương trình đã được thí điểm suốt hơn 40 năm qua; vấn đề triển khai thực hiện chương trình sữa học đường tại các trường học cần thận trọng, tránh ép buộc và phải đảm bảo chất lượng nguồn sữa cung cấp.
Theo dự thảo báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, từ 16.8.2017 đến 15.8.2018, Quốc hội đã nhận được 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 469 đơn so với cùng kỳ). Trong đó, 72,62% đơn trùng lặp, công dân gửi nhiều lần, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung. Sau khi nghiên cứu, xem xét đã chuyển 7.043 đơn đủ điều kiện xử lý tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đạt 59,36%.
Kết quả xem xét báo cáo và kết quả giám sát cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, có nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; có nơi, có lúc còn có hiện tượng lôi kéo, kích động tụ tập đông người để gây sức ép với cơ quan có thẩm quyền.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với các đánh giá trong các dự thảo báo cáo. Đại diện các bộ, ngành cũng giải trình một số nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách như việc xử lý cán bộ theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; vấn đề lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa; chính sách hỗ trợ người có đất thu hồi...
Phát biểu kết thúc phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay, Ban Dân nguyện sẽ tổng hợp đầy đủ, cập nhật thêm những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xem xét, chỉnh sửa các số liệu... đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất để hoàn thiện nội dung Báo cáo, dự kiến gửi các đoàn đại biểu Quốc hội vào ngày 5.10 và chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới.
PHAN PHƯƠNG (TTXVN)