Khổ luyện 1.000 ngày, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ

Tin tức - Ngày đăng : 17:00, 29/09/2018

Ngày 1.10, nhóm đầu tiên gồm 30 cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ đến Nam Sudan - một quốc gia ở Đông Phi.

Cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Bệnh viện dã chiến 2 số 1 tại Bến Nhà Rồng trước ngày lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan

Qua đó, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng cấp đơn vị độc lập trực tiếp tham gia gìn giữ hòa bình, mang đến bạn bè quốc tế những hình ảnh chân thực về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” yêu chuộng hòa bình và có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ hòa bình quốc tế của Liên hợp quốc.

Nghìn ngày chuẩn bị

Ngày 25.11.2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế là 70 người nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân đạo.

Kể từ đó đến ngày lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan là 4 năm, với hơn một nghìn ngày vất vả học tập, rèn luyện, đến nay, các cán bộ, chiến sỹ bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đều hướng đến ngày chung tay với bạn bè năm châu góp phần đem đến hòa bình cho những khu vực vừa trải qua xung đột và chiến tranh.

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trước ngày lên đường

Theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, năng lực một Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải bảo đảm hiệu quả khả năng khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng phải đạt chuẩn về khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca chụp X quang, 10 ca điều trị răng miệng và xét nghiệm chuẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kỳ tình huống nào…

Trước những yêu cầu cao của Liên hợp quốc, ngay từ khi thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện chương trình “Tiền triển khai bắt buộc của Liên hợp quốc”; với các nội dung huấn luyện:  Kiến thức nền tảng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kiến thức về tình hình phái bộ nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai; các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng bộ đàm và hệ thống thông tin liên lạc của Phái bộ, nhận diện bom-mìn-vật liệu nổ, luật nhân đạo theo Công ước quốc tế, chống lạm dụng tình dục…

Thêm vào đó, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải trải qua các chương trình bổ sung như về võ thuật, ca múa dân tộc, bảo vệ bí mật quân sự, vận hành và bảo dưỡng các loại máy phát điện, xe moóc, lọc nước…

Trước khi lên đường, các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 còn phải trải qua các đợt diễn tập thực tế theo quy trình chuẩn của Liên hợp quốc. Đó là diễn tập trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường Phái bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng…

Tất cả đã sẵn sàng

Đến nay, tất cả cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 đều đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn theo tiêu chí rất cao của Liên hợp quốc.

Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 khẳng định: Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Trung tá Bùi Đức Thành cho biết thêm, trong số 10 nhân viên nữ của bệnh viện, thì 5 người đã có gia đình. Bệnh viện chủ động làm tốt công tác tư tưởng cho các chị em chưa có gia đình hay lần đầu xa nhà để thực hiện nhiệm vụ khó khăn. Hiện tất cả đã yên tâm, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Thiếu úy Nguyễn Thế Anh, một trong hai thành viên trẻ tuổi nhất của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam

Bệnh viện đã tập trung 4 năm huấn luyện từ tiếng Anh, đến chuyên môn, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, các quy định của Liên hợp quốc đối với nhân viên Phái bộ. Cùng với đó là huấn luyện thể lực, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, quân sự… bảo đảm công tác chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn đặt ra.

Là đơn vị đầu tiên vinh dự được triển khai làm nhiệm vụ tại Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là khi đến một đất nước xa xôi, đi lại còn khó khăn, công tác hậu cần càng được đặc biệt quan tâm, cẩn trọng. Trước ngày lên đường, từ việc lớn đến việc nhỏ như cái tăm, sợi chỉ... cũng đều được chuẩn bị chu đáo để cán bộ, chiến sĩ an tâm khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Dù vậy, trong lần đầu tiên triển khai lực lượng cấp đơn vị độc lập trực tiếp tham gia gìn giữ hòa bình sẽ gặp không ít khó khăn. Tất cả đều xác định, Nam Sudan là vùng đất xa xôi, vì thế phải trù liệu chu đáo mọi tình huống có thể xảy ra. Thêm vào đó, nhiệt độ ban ngày tại Nam Sudan có thể lên đến gần 54-55 độ C, ban đêm xuống 18 -20 độ C, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe...

Các chiến sỹ lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan

Trước những khó khăn, thách thức, Trung tá Bùi  Đức Thành khẳng định, tuy có bỡ ngỡ, nhưng tất cả đều xác định tư tưởng trên tinh thần duy trì đơn vị chính quy như ở trong nước, thậm chí còn cao hơn nữa để thể hiện hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục tiêu của đơn vị là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Cùng với thực hiện thành công những yêu cầu, nhiệm vụ của phái bộ Liên hợp quốc đặt ra, cán bộ, chiến sĩ duy trì kỷ luật đơn vị, xây dựng và giữ gìn hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện nhiệm vụ là sứ giả hòa bình của Việt Nam...

Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, ngày 26.9, tại New York, Hoa Kỳ, sau lễ ký Bản ghi nhớ về việc Việt Nam cử bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Atul Khare đã hoan nghênh và bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp một bệnh viện đạt chất lượng cao, có thể đóng góp hiệu quả và sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

XUÂN KHU (TTXVN)