Nguy cơ một cuộc chiến bầu trời: Su-30SM và F-22 Raptor

Bình luận - Ngày đăng : 17:50, 30/09/2018

Nếu một trận không chiến nổ ra giữa “Ác điểu” F-22 Raptor của Mỹ và dòng tiêm kích “Quái điểu” Su-30SM của Nga, đây chắc chắn sẽ là cơn ác mộng kinh hoàng.

Kết cục tất yếu sẽ đến là sự leo thang căng thẳng nhanh chóng, dễ dàng vượt ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

“Quái điểu” Sukhoi Su-30SM

Sự xuất hiện của các đơn vị máy bay quân sự hải quân, trong đó có nhiều tiêm kích đa năng Su-30SM của Nga với lý do tham gia cuộc tập trận ngoài khơi Syria nhận được sự quan tâm lớn. Điều này khiến giới quan sát nghi ngờ rằng Nga đang tái triển khai binh lực quy mô tới Syria.


Quái điểu Sukhoi Su-30SM. Ảnh: Airliners.net

Việc Nga tổ chức tập trận hải quân quy mô lớn ở bờ đông Địa Trung Hải hồi đầu tháng 9 được cho là thông điệp răn đe gửi tới Mỹ và đồng minh trong khu vực. Trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria và phe phái thân chính phủ đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch quân sự then chốt có thể giúp kết thúc nội chiến ở Idlib thì Mỹ và phương Tây lại đe dọa tấn công vào Syria.

Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ Su-30SM của Hải quân Nga tại Khmeimim đã tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu không quân của lực lượng Nga tại Syria. Moskva có lý do khi tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn của Hải quân nước này ngoài khơi Syria thời điểm vừa qua.

Đối với Nga, quái điểu Sukhoi Su-30SM được triển khai tại Syria là một lựa chọn hợp lý. Dòng tiêm kích này có khả năng tải trọng khổng lồ và phạm vi hoạt động vô cùng rộng lớn. Su-30SM là phiên bản nâng cấp của dòng tiêm kích đa năng thế hệ thứ 4+ Su-30. Quái điểu Su-30SM được thiết kế nhằm chiếm ưu thế trong cuộc chiến trên không, tiêu diệt các mục tiêu trên bầu trời, phong tỏa các sân bay của đối phương, cũng như đánh chặn các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Một trong những tính năng chính của Su-30SM là khả năng siêu cơ động. Máy bay chiến đấu này có chiều dài 21,9m, sải cánh 14,7m và chiều cao lên tới 6,3m. Chiến đấu cơ có trọng tải rỗng 17,7 tấn, khối lượng cất cánh lên tới 34,5 tấn. Tiêm kích này được trang bị hai động cơ kiểm soát vector lực đẩy hai chiều AL-31FP, đồng thời được thiết kế cánh mũi tăng cường khả năng nhào lộn. Điều này cho phép chiếc máy bay này trở nên siêu cơ động trong không chiến.

Su-30SM cũng được trang bị hệ thống radar điều khiển đa năng hiện đại Bars, hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Nhờ đó tiêm kích Su-30SM có thế phát hiện máy bay địch có kích thước tương tự như MiG-29 ở khoảng cách 140 km. Đồng thời radar này có khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu bay và 4 trong số chúng nằm trong tầm ngắm của vũ khí mang theo.

Về khả năng chiến đấu, Su-30SM được gắn 12 giá treo vũ khí và có thể mang đến 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa có điều khiển, tên lửa thường và bom hàng không. Trên tiêm kích Su-30SM có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung R-27 (8 quả), R-77 (10 quả) và tên lửa tầm ngắn R-73 (6 quả).

Ngoài ra chúng cũng có thể mang theo loại tên lửa chống radar và chống hạm Kh-31P và Kh-31A (6 quả). Nhiên liệu trong các thùng cho phép máy bay bay liên tục khoảng 3.000 km. Trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt chúng có thể được tiếp nhiên liệu trên không và tiếp tục hoạt động. Với khả năng chiến đấu độc lập, tiêm kích Su-30SM không cần tới máy bay chiến đấu hộ tống khác.

Hơn nữa, quái điểu Su-30SM được thiết kế với 2 chỗ ngồi, phi công phụ phía sau ngồi cao hơn một chút so với phi công chính. Cách bố trí này giúp phi công có thể quan sát dễ dàng, bao quát tình hình xung quanh và phối hợp xử lý những tình huống phức tạp. Đây là lý do “Đại bàng tấn công” F-15 Strike Eagle của Không quân Mỹ và “Siêu Ong bắp cày” Super Hornet F/A-18F của Hải quân Mỹ được thiết kế có nhiều nét tương đồng Su-30SM của Nga với 2 phi công điều khiển.

“Chim ăn thịt” F-22 Raptor

Với Mỹ, các lực lượng quân sự của cường quốc này tại khu vực đang sở hữu hàng loạt máy bay chiến đấu tiên tiến, sẵn sàng xuất trận. Mạnh nhất trong số đó là Raptor Lockheed Martin F-22. Đồng thời, lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực được cho là đông hơn đáng kể so với các lực lượng Điện Kremlin triển khai.

Trong khi Su-30SM là dòng tiêm kích thế hệ thứ 4 với nhiều tính năng vượt trội, F-22 Raptor vẫn xứng đáng là đối thủ đáng gờm trên bầu trời, thậm chí sở hữu nhiều chi tiết ưu việt hơn. Đặc biệt là khả năng về tầm nhìn. Về phần cứng, “chim ăn thịt” F-22 tỏ ra vượt trội so với Su-30SM, ngoại trừ phạm vi hoạt động và tải trọng. F-22 Raptor là dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Khả năng phản hồi radar của F-22 chỉ 0,000m2. F-22 Raptor có khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chiến tranh điện tử và chiếm ưu thế trên không.


Raptor Lockheed Martin F-22. Ảnh: National Interest

F-22 Raptor là chiến đấu cơ đặc biệt với cấu tạo từ hàng chục ngàn thành phần, được sản xuất bởi 1.100 nhà thầu phụ trải khắp 44 tiểu bang trên nước Mỹ. F-22 Raptor có thể đạt đến vận tốc siêu thanh mà không cần đốt nhiên liệu lần 2, cho phép bay nhanh và xa hơn. Ngoài F-22 Raptor chỉ có EF-2000 Typhoon của châu Âu mới có khả năng làm được điều này. Việc đốt nhiên liệu lần 2 giúp máy bay tăng tốc nhanh chóng, nhưng lại cực kỳ tốn nhiên liệu.

F-22 Raptor dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,10m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn. Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp bộ phận điều chỉnh hướng phụt, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2 (2.400km/h). Máy bay được trang bị hệ thống radar mạng pha cực mạnh AN/APG-77, có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ một mét vuông ở khoảng cách lên tới 240km. Đây là điều mà không có loại máy bay nào khác có thể làm được.

Về hệ thống vũ khí, ngoài pháo 6 nòng M61A2, F-22 Raptor có ba khoang vũ khí nằm trong thân và các giá treo bên ngoài. Để không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa (tầm bắn 120km) và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Để tấn công mặt đất, F-22 mang ba bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454kg cùng một số nhỏ tên lửa không đối không. Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo bốn thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.

Một cuộc đối đầu trên bầu trời rất dễ trở thành một tình huống chiến đấu, và đó chắc chắn sẽ là một cơn ác mộng mà không một cường quốc nào muốn. Với sức mạnh hỏa lực và những lợi thế riêng, "Chim ăn thịt" F-22 Raptor có thể hạ đo ván Sukhoi Su-30SM, song "Quái điểu" Su-30SM hoàn toàn có cơ hội hủy diệt F-22 khi cận chiến. Căng thẳng leo thang ngoài tầm kiểm soát là điều chắc chắn xảy ra, dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn, và khi đó, chiến trận sẽ không chỉ giữa Nga và Mỹ.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)