Giáo viên hợp đồng: Được đi dạy thôi chưa đủ

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 08:55, 01/10/2018

Mong muốn của các trường cũng như đội ngũ GVHĐ là tỉnh sớm có cơ chế cụ thể để các đơn vị chủ động trong việc bố trí đội ngũ, bảo đảm chất lượng dạy học.

Từ khi có chủ trương được tiếp tục ký hợp đồng lao động đối với giáo viên, cô Trương Thị Huệ, giáo viên Trường Mầm non Lam Sơn (Thanh Miện) đã yên tâm công tác

Ngày 4.9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 1025-TB/TU kết luận về phương án sắp xếp số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập sau khi rà soát và phương án giải quyết cho năm học 2018 - 2019. Tỉnh đồng ý bố trí kinh phí cho các trường thiếu giáo viên để thanh toán tiền giảng dạy và rà soát, thẩm định lại số giáo viên hợp đồng (GVHĐ) đã thực hiện nhiệm vụ các năm học trước, nếu đúng quy định, đáp ứng được nhu cầu thì tiếp tục kéo dài hợp đồng. Đây thực sự là niềm vui đối với đội ngũ GVHĐ và các trường đang thiếu giáo viên giảng dạy.

Các trường và GVHĐ bậc mầm non có lẽ là những người phấn khởi nhất khi đón nhận thông tin trên. Vì những năm học gần đây, bậc học này sử dụng số lượng GVHĐ vượt định mức nhiều nhất do số trẻ tăng mạnh.

Hiện nay, Trường Mầm non Lam Sơn (Thanh Miện) tiếp tục sử dụng 11 GVHĐ của năm học trước. Cô giáo Trương Thị Huệ, GVHĐ của trường hồ hởi nói: "Mấy tháng nay, tôi và các GVHĐ khác của nhà trường luôn lo lắng vì không biết mình có tiếp tục được ký hợp đồng lao động nữa hay không. Tôi đã có 15 năm gắn bó với trẻ, nếu không được đi dạy tiếp thì không biết làm gì. Từ khi biết thông tin GVHĐ có cơ hội tiếp tục được làm việc tôi như trút bỏ được gánh nặng và yên tâm thực hiện tốt công việc nhà trường giao".

GVHĐ ở các bậc học khác cũng có chung niềm vui. Đến năm học này, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân có hơn 15 năm dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nguyên Giáp (Tứ Kỳ). Thời gian qua, ngoài cô Xuân, trường còn ký hợp đồng lao động với 3 giáo viên khác. "Trước khi nghỉ hè, cả Ban giám hiệu và chúng tôi đều không biết có được tiếp tục ký hợp đồng hay không. Nay đã có chủ trương cho phép ký tiếp hợp đồng lao động với giáo viên nên chúng tôi yên tâm công tác hơn", cô Xuân chia sẻ.

Ngay sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời thông báo đến các cơ sở giáo dục để nắm bắt chủ trương và căn cứ vào tình hình thực tế sắp xếp đội ngũ thực hiện nhiệm vụ của năm học mới. Để bảo đảm điều kiện giảng dạy của năm học 2018 - 2019, UBND tỉnh dự kiến cho phép các trường mầm non, phổ thông công lập tiếp tục hợp đồng lao động với 1.144 trong tổng số 1.232 giáo viên đã hợp đồng vượt định mức của năm học 2017 - 2018 (số còn lại đã chuyển công việc khác).

Tuy đã có sự đồng ý về chủ trương nhưng việc thực hiện cụ thể như thế nào thì hiện vẫn phải chờ. Ông Lê Xuân Trường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ nói: "Đến thời điểm này, chúng tôi mới chỉ biết thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các trường, còn việc thực hiện cụ thể phải chờ UBND tỉnh quyết định vào thời gian tới". Cô giáo Nguyễn Thị Ngát, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lam Sơn cũng cho biết: "Từ tháng 8 đến nay, nhà trường chỉ biết động viên 11 GVHĐ công tác, còn không có kinh phí để chi trả tiền công cho các cô giáo. Đồng thời, việc đóng BHXH của họ cũng bị gián đoạn".

Chưa được chi trả tiền công, cuộc sống của GVHĐ gặp khá nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thị Vân, GVHĐ dạy thể dục của Trường THCS Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) cho biết: "Do chưa có quy định cụ thể nên mặc dù đi làm 2 tháng nay nhưng chúng tôi chưa có tiền công. Nếu không tâm huyết, say nghề thì giáo viên sẽ khó trụ lại với trường. Tôi biết nhiều GVHĐ khác của huyện đã tìm việc làm mới".

Mong muốn của các trường cũng như đội ngũ GVHĐ là tỉnh sớm có cơ chế cụ thể để các đơn vị chủ động trong việc bố trí đội ngũ, bảo đảm điều kiện và nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt, giáo viên nên được ký hợp đồng dài hạn hoặc cả 12 tháng vì ký theo năm học thì 3 tháng hè không có lương và không biết tìm việc gì làm, ảnh hưởng tới cuộc sống.

TRUNG HOA