Thực hiện Quy định 101: Việc nêu gương dần đi vào nền nếp
Chính trị - Ngày đăng : 11:55, 04/10/2018
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra hoạt động tại chợ Giống (xã Cổ Dũng, Kim Thành) - nơi nhân dân có ý kiến, kiến nghị. Ảnh: Thu Minh
Hơn 6 năm qua, với nhiều giải pháp thiết thực, việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên.
Đi vào việc cụ thể
Thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28.2.2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 05 để hướng dẫn các cấp ủy, cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hằng năm, toàn Đảng bộ có trên 95% số cán bộ, đảng viên cam kết thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng; nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu...
Việc nêu gương thể hiện rõ nét từ đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện quy định về chế độ đi cơ sở do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy xây dựng và Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Nền nếp này được duy trì từ các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy với rất nhiều cuộc kiểm tra, làm việc thường xuyên, đột xuất liên quan đến những vấn đề mới phát sinh, địa bàn có tình hình phức tạp. Gần đây nhất, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp dân và chỉ đạo dừng việc xem xét triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ), nhân dân rất phấn khởi. Người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp hằng năm đều thực hiện từ 1-2 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Qua đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn.
Ngày 19.1.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Quy định số 299 "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóaXII) và các Chỉ thị 03, 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Việc nêu gương được đa dạng hóa bằng nhiều hành động cụ thể. Ví dụ, trong năm 2018, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), Đảng bộ huyện Cẩm Giàng tiếp tục chọn việc đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 là “Xây dựng và thực hiện chế độ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tăng cường sâu sát với cơ sở; hướng dẫn, phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải quyết khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc của nhân dân". Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện đã tích cực bám sát cơ sở; chỉ đạo quyết liệt việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM... Đến nay, Cẩm Giàng đã hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM.
Nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nhân dân hoan nghênh qua việc nghiêm túc khắc phục những hạn chế, thiếu sót sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương4 (khóa XI). 39 nội dung hạn chế, thiếu sót của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hạn chế của nhiều sở, ngành, cán bộ, đảng viên là người đứng đầu đã được kiểm điểm làm rõ, kịp thời khắc phục.
Sổ ghi "người tốt, việc tốt" của chi bộ, đảng bộ các cấp đã biểu dương, ghi nhận hàng nghìn gương sáng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các phong trào, hoạt động.
Nhân dân xã Tân Việt (Bình Giang) nêu ý kiến tại cuộc tiếp xúc, đối thoại với đồng chí Bí thư Huyện ủy. Ảnh: Hà Nga
Coi trọng đánh giá, kiểm điểm
Bên cạnh những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên trong tỉnh vẫn còn những "gương mờ". Con số 1.328 đảng viên bị cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật trong nửa nhiệm kỳ qua cho thấy một bộ phận đảng viên chưa coi trọng việc nêu gương. Đáng buồn là trong đó có tới 11 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 110 đảng viên diện Huyện ủy và tương đương quản lý. Một số đảng viên là cán bộ chủ chốt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; có đảng viên bị kỷ luật vì quan hệ bất chính... Một bộ phận công chức, viên chức, trong đó có nhiều đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn yếu về năng lực phát hiện, thiếu chủ động tham mưu giải quyết vấn đề; còn có thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa đúng mực...
Một trong số nguyên nhân gây ra những hạn chế trên là do một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cuối năm ở một số nơi còn qua loa, hình thức...
Nhìn thẳng vào những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh đặc biệt coi trọng phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "nói đi đôi với làm", làm hết khả năng, gắn việc thực hiện Quy định 101 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05. Vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được yêu cầu phải nêu cao hơn nữa bởi đó chính là tấm gương để cán bộ, đảng viên soi vào, tự rèn, tự sửa, tự noi theo.
LINH AN
Ngành tổ chức xây dựng Đảng hướng dẫn, đôn đốc việc nêu gương Trước đây, Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan hướng dẫn xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện theo gương Bác cho cán bộ, đảng viên. Từ năm 2018, Ban Tổ chức Huyện ủy đảm nhận việc này. Đơn vị hướng dẫn các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy chỉ đạo mỗi cán bộ, đảng viên làm bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trên các lĩnh vực… Việc giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện, đồng thời là cơ sở quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. LÊ VĂN CƯƠNG Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Giang Đánh giá thực chất việc nêu gương Vấn đề đặt ra là làm sao đánh giá khách quan, thực chất việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tôi thấy nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu làm tốt việc nêu gương theo quy định của Ban Bí thư, nhưng cũng có người làm chưa tốt. Có người làm việc cầm chừng, thậm chí thiếu gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương. Thế nhưng cuối năm, khi đánh giá, kiểm điểm lại rất sơ sài nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương này. Vì thế, có khi đảng viên chưa gương mẫu vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là cần thiết, song để phát huy hơn nữa tác dụng của quy định này, tôi cho rằng cần có cơ chế đánh giá khách quan, thực chất việc nêu gương của cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong đó, cần coi trọng đánh giá ngay từ chi bộ. Làm tốt việc kiểm điểm cuối năm, thường xuyên kiểm tra, rà soát kết quả đánh giá của từng chi bộ sẽ giúp kết quả đánh giá chính xác hơn. NGUYỄN TRỌNG TUẤN Bí thư Chi bộ thôn Thiên Đông, xã Kim Tân, Kim Thành Giám sát cán bộ nêu gương Khi chúng tôi còn trong quân ngũ, ấn tượng về những cán bộ, đảng viên là người đứng đầu rất sâu đậm vì sự nêu gương mẫu mực của từng đồng chí. Dù là sĩ quan, chỉ huy cấp cao nhưng nhiều đồng chí luôn nhường cơm, sẻ áo, chia sẻ gian khó, vất vả cùng chiến sĩ. Việc nêu gương thuộc về ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, theo tôi cần tăng cường hơn nữa sự giám sát của cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân đối với đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Giám sát thường xuyên, kịp thời chính là phương pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh những lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống. Được biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành quy định về việc tiếp thu ý kiến góp ý với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức. Đây là việc làm cần thiết để mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về cán bộ, đảng viên. Theo tôi, tiếp nhận thông tin cần mở rộng bằng nhiều hình thức như qua việc phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách, giám sát lẫn nhau; phân công đảng viên nắm bắt dư luận xã hội, tiếp nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng đơn, thư... Nguồn thông tin càng đa dạng càng có điều kiện để giúp cấp ủy, cơ quan, đơn vị kịp thời kiểm tra, giám sát đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. PHẠM MINH TUẤN (Cán bộ hưu trí, khu 17, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) |