Phải tạo điều kiện để nông dân đồng bằng sông Hồng xuất khẩu nông sản

Tin tức - Ngày đăng : 17:01, 05/10/2018

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi từng có dịp may mắn được đưa tin về hoạt động của các Tổng Bí thư như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng.

Lần đưa tin về Tổng Bí thư Đỗ Mười làm tôi nhớ mãi về tầm nhìn lo lắng cho lòng dân, vận nước cũng như học vấn uyên thâm cùng tài hùng biện của ông.

Đó là vào 2 giờ chiều một ngày tháng 6.1993. Hồi ấy, tôi mới từ Báo sang Đài Hải Hưng được ít ngày thì được phân công cùng quay phim Đình Khánh sang Văn phòng Tỉnh ủy Hải Hưng đưa tin cuộc làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười với Bí thư Tỉnh ủy của 4 tỉnh gồm Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh và Thái Bình. Tham gia đoàn làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi nghe Bí thư của bốn tỉnh báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười phân tích rất nhiều vấn đề. Đại ý ông nói: Bây giờ phải làm ra sản phẩm, phải lo kinh tế cái ăn cái mặc cho dân. Anh Kiệt (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và Chính phủ phải lo kinh tế, còn tôi và các đồng chí phải lo chính sách để dân yên. Tôi vừa vào TP Hồ Chí Minh, tôi day dứt và “nóng” hết cả người. Họ đưa tôi thăm một gia đình liệt sĩ, ngày hè lại chui vào nhà liệt sĩ lợp mái tôn, nóng không chịu nổi. Đã thế lại càng "nóng” hơn khi bà mẹ liệt sĩ cho biết do nghèo nên đất của bà cũng đã phải bán đi... Rồi Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi to: Thế thì họ chiến đấu và hy sinh cho ai? Tại sao gia đình chính sách lại nghèo khổ? Họ hy sinh vì cái gì? Họ nghèo khổ thì làm sao mà giữ được dân, giữ được nước? Và còn nhiều thứ khác phải lo nữa. Các anh biết đấy, hàng ngàn xe tải chạy suốt ngày đêm, bên trong họ chở những gì? Ta đã quản lý tốt chưa?...

Lần đầu tiên được đưa tin về Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi cảm nhận ông có tác phong làm việc rất khẩn trương nhưng không vội lướt. Ông chăm chú nghe, rất hay hỏi, thỉnh thoảng ghi chép. Ông nói hàng tiếng mà không cần giấy tờ...

Rồi Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tại sao nông dân bán nông sản đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch qua cảng Diêm Điền của Thái Bình lại bị chậm. Ngày đó, ta và Trung Quốc mới khôi phục lại quan hệ, nhưng buôn bán bằng đường bộ, đi lại còn rất khó khăn và chở bằng đường thủy thì rau quả ít bị hư hỏng hơn. Lúc đó, đồng chí Thứ trưởng Giao thông vận tải trả lời đại ý rằng đang xây dựng cảng nên thủ tục thông quan chưa có. Đồng chí thứ trưởng báo cáo dài dòng, Tổng Bí thư Đỗ Mười cắt ngang: “Anh nói ngắn thôi vì tôi trình độ “lớp mười” cũng đã hiểu, còn ngồi đây toàn cỡ tiến sĩ, kỹ sư thì họ hiểu từ lâu rồi nên không cần nói dài. Bây giờ các anh vẫn đang xây à? Rau quả, lợn gà của dân các anh ngâm hai ba ngày thì còn bán cho ai được nữa? Cảng Diêm Điền có từ thời Pháp”. Rồi Tổng Bí thư đọc tên chủ cảng người Pháp. Sau đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tiếp một đoạn trong cuốn sách của một học giả nước ngoài viết về thương mại của Việt Nam trong thế kỷ 16 và 17. Theo tác giả cuốn sách thì Việt Nam đã xuất khẩu hàng gốm và hàng tơ lụa đi châu Âu... Rồi Tổng Bí thư dặn phải “thông quan ngay nông sản qua cảng Diêm Điền, không được chậm trễ” và “nông dân đồng bằng sông Hồng phải sản xuất nhiều rau quả, lợn gà xuất khẩu thì đời sống mới khá được”.

Đấy là tất cả những gì đọng lại trong một lần hiếm hoi tôi được đưa tin về ông. Chỉ một lần mà nhớ mãi về một vị Tổng Bí thư luôn thương yêu, lo lắng cho đồng bào mình, cho Tổ quốc mình.

CÔNG ĐÁN, Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên, nguyên phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Hưng