Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo
Xã hội - Ngày đăng : 10:48, 06/10/2018
Thời hạn giải quyết tố cáo giảm còn 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Trong ảnh: Thanh tra tỉnh tổng hợp, xử lý đơn thư của người dân
So với Luật Tố cáo năm 2011, luật năm 2018 có nhiều điểm mới quan trọng.
Luật Tố cáo năm 2018 gồm 9 chương, 67 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo, bổ sung quy định cho phép rút tố cáo là những điểm đáng chú ý của Luật Tố cáo năm 2018. Việc giảm thời gian giải quyết tố cáo phù hợp với xu thế cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Điều 30 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Luật hiện hành quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết 90 ngày. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Luật hiện hành không quy định việc rút tố cáo. Thực tế, nhiều trường hợp người tố cáo nhận thức được việc tố cáo của mình không đúng nên rút tố cáo. Tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thụ lý giải quyết tố cáo, điều này làm mất nhiều thời gian, công sức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bổ sung quy định về việc rút tố cáo đã khắc phục được hạn chế trên.
Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có quyền rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc vẫn phải được giải quyết.
Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 mở rộng đối tượng bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ gồm: cán bộ, công chức, viên chức; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; cơ quan, tổ chức. Như vậy, cán bộ công chức đã nghỉ hưu vẫn có thể bị tố cáo.
Luật mới quy định khung pháp lý chặt chẽ, trình tự, thủ tục cần thiết để bảo vệ người tố cáo (chương 5, từ điều 47 đến điều 58). Người được bảo vệ gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân...
Luật Tố cáo năm 2018 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, khi được thực thi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng được yêu cầu giải quyết tố cáo trong thời gian tới.
Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã xử lý 71 trong tổng số 84 vụ việc tố cáo. Trong đó, 19 vụ việc tố cáo đúng, 31 vụ việc tố cáo sai, 21 vụ việc tố cáo có đúng, có sai. |
HÀ NGA