Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vì sao?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:29, 07/10/2018

Mặc dù đã hết quý III nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều dự án còn rất chậm, thậm chí có dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Tiến độ thực hiện dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu bị chậm so với kế hoạch nên việc giải ngân vốn cũng bị chậm theo

Vốn chờ tiến độ

Là dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2018, công trình nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu do UBND TP Hải Dương làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cuối năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%. Theo kế hoạch, dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018, trong đó hạng mục cải tạo đoạn nút thắt cổ chai, nạo vét kênh T2 và gia cố mái kênh được hoàn thành trong năm 2017; xây dựng trạm bơm Bình Lâu trong giai đoạn 2017-2018. Hiện nay, các hạng mục này đã được UBND tỉnh gia hạn thời gian hoàn thành đến ngày 31.12.2018. Năm 2018, dự án được phân bổ 7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (nguồn xây dựng cơ bản tập trung) nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 170 triệu đồng, bằng 2,4% tổng vốn được cấp.

Năm 2018, Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư được ngân sách tỉnh cấp 35 tỷ đồng. Số vốn này sẽ hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản; vùng nuôi thủy sản tập trung; hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất thâm canh cao và hệ thống tưới tiên tiến. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, hiện vẫn còn 26 dự án thuộc ngân sách cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 50%, trong đó có hơn 10 dự án chưa giải ngân được vốn. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%) như dự án Trung tâm Văn hóa xứ Đông; nhà lớp học 3 tầng 15 phòng, nhà hiệu bộ và công trình phụ trợ Trường THPT Thanh Miện... Dự án có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 40% như: Sở Chỉ huy cơ bản căn cứ chiến đấu 1 tỉnh Hải Dương, hệ thống thoát nước đường Nguyễn Lương Bằng, Dự án đường trục Bắc - Nam…

Bên cạnh những dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh cũng còn nhiều dự án đầu tư mới sử dụng ngân sách cấp huyện và cấp xã chưa thể giải ngân được vốn đầu tư năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án này có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sau ngày 31.10.2017. Bởi theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10.9.2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định điều kiện dự án khởi công mới được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là dự án “được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đến ngày 31.10 của năm trước năm kế hoạch”.

Lỗi chủ quan

Dự án đường trục Bắc - Nam chưa giải ngân được 40% vốn đầu tư năm 2018

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân vốn dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu, ông Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản (UBND TP Hải Dương) cho rằng tiến độ thi công dự án bị chậm so với kế hoạch nên chưa có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Quá trình khảo sát, thiết kế công trình, đơn vị thiết kế thi công đã không lường trước được hết địa chất phức tạp của lòng kênh và mức độ ổn định của các công trình nhà dân sát khu vực thực hiện dự án. Khi thi công, trời mưa nhiều, nhà thầu vừa làm vừa phải bảo đảm việc tiêu thoát nước cho hệ thống kênh T2. “Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu triển khai dự án, nhà thầu chưa thực sự tập trung thi công công trình theo tiến độ đã cam kết dẫn đến dự án bị chậm, giải ngân vốn đầu tư cũng bị chậm theo”, ông Cường  nói.

Theo đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN-PTNT), Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” chưa giải ngân được vốn do quá trình triển khai thực hiện gặp vướng mắc trong quy định của pháp luật về sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể, theo đề án đã được duyệt, đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân. Mặc dù vậy, theo quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước của Chính phủ thì hộ kinh doanh cá thể, cá nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nên không thể tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, một số nội dung liên ngành không đủ thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện như việc ủy quyền cho UBND cấp huyện hỗ trợ.

Trước những khó khăn trên, các Sở: NN-PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã tham mưu xây dựng quy chế thực hiện các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công thuộc đề án này trình UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện các thủ tục hỗ trợ các dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng và điều chỉnh lại đối tượng được hưởng hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của đề án. Hiện nay, tờ trình của liên ngành đang chờ UBND tỉnh phê duyệt, ra quyết định để làm căn cứ thực hiện.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là nguyên nhân chủ quan. Trước hết, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới công tác chuẩn bị đầu tư nên việc khảo sát, đánh giá, phân tích thực tế trước khi triển khai dự án chưa sát; báo cáo kinh tế kỹ thuật để thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt còn chậm. Chủ đầu tư ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn dự án kém năng lực, dẫn đến các dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật thường xuyên phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa tích cực đôn đốc, giám sát nhà thầu triển khai thực hiện dự án dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, chậm giải ngân.

PHAN ANH