Băn khoăn chương trình Sữa học đường

Chính trị - Ngày đăng : 10:27, 13/10/2018

Thực hiện chương trình Sữa học đường, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống mỗi ngày một hộp sữa tươi 180 ml tại trường.

Đề án chương trình Sữa học đường được triển khai từ năm 2014, bắt đầu ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng những băn khoăn về chương trình này mới thực sự nóng những ngày gần đây khi chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018- 2020 được phê duyệt, sẽ triển khai với trẻ mầm non và học sinh tiểu học trên cả nước từ năm học mới 2018-2019.

Thực hiện chương trình Sữa học đường, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống mỗi ngày một hộp sữa tươi 180 ml tại trường. Chi phí thực hiện do ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, còn lại 50% do phụ huynh đóng góp. Những em nhỏ gia đình nghèo, khó khăn hay cận nghèo, người dân tộc thiểu số, con gia đình chính sách được uống sữa miễn phí với sự trợ giúp 50% của ngân sách và 50% của doanh nghiệp cung cấp sữa. Đây là một chương trình hoàn toàn tự nguyện, phụ huynh có thể lựa chọn cho con tham gia hay không.

Như vậy, tham gia chương trình này, số lượng trẻ em có cơ hội được uống sữa thường xuyên sẽ tăng cao hơn trước. Mục tiêu nhằm cải thiện tầm vóc cho người dân từ lứa tuổi mầm non, tiểu học, tạo đà phát triển cho các em trong tương lai. Hầu hết các phụ huynh ngày nay đều ý thức về tác dụng của việc uống sữa đối với sự phát triểncủa trẻ. Tuy nhiên, chương trình Sữa học đường được triển khai rộng khắp với quy mô lớn vẫn khiến nhiều người lo lắng, băn khoăn.

Trong những năm qua, đã có những vụ học sinh ngộ độc sữa tập thể như vào tháng 3.2018, tỉnh Đồng Nai phải tạm dừng chương trình này một thời gian sau khi hơn 70 học sinh bị ngộ độc. Trước đó vào tháng 10.2017, hàng trăm học sinh tỉnh Hậu Giang cũng bị ngộ độc sữa được phát miễn phí… Những ví dụ điển hình đó không khỏi gây ra sự lo ngại cho các bậc phụ huynh khi con em uống sữa tại trường. Việc kiểm soát chất lượng sữa đưa vào trường học hiện nay vẫn là một bài toán chưa có lời giải thực sự rõ ràng, minh bạch. Thậm chí, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định chính thức về tiêu chuẩn sữa học đường mà mới chỉ có Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chữ “tạm thời” này khiến phụ huynh cảm thấy không mấy yên tâm. Bên cạnh đó, không phải đứa trẻ nào cũng dễ uống sữa. Nhiều gia đình phải đổi nhiều loại sữa cho con mới chọn được loại phù hợp. Vì thế, khi triển khai rộng khắp, có thể xảy ra tình trạng có những trẻ không thích, không uống loại sữa chung cho cả trường đó. Khi chương trình này được triển khai trong cả nước, đây nghiễm nhiên trở thành thị trường cực kỳ lớn cho các hãng sữa. Vì vậy nỗi lo về việc trường học thành thị trường cạnh tranh khốc liệt không phải là vô cớ. Những lùm xùm trong vụ đấu thầu sữa học đường vừa qua tại Hà Nội là một ví dụ. Nếu việc đấu thầu không minh bạch, dựa trên chất lượng của sản phẩm thì hàng loạt trẻ em sẽ là những người gánh chịu hậu quả.

Tại Hải Dương, chương trình Sữa học đường chưa được triển khai rộng khắp trong những năm trước đây mà mới chỉ có dự án phát sữa miễn phí cho học sinh ở số ít trường của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể nhìn vào những địa phương đi trước cũng như những lo ngại, băn khoăn của phụ huynh để thực hiện chương trình này tốt hơn, đạt được những mục tiêu đề ra. Ngành giáo dục và ngành y tế cần nghiêm ngặt trong khâu thanh tra, kiểm tra chất lượng sữa cũng như khâu vận chuyển và lưu trữ sữa. Cần để phụ huynh được tham gia giám sát việc cung cấp sữa và uống sữa của con em ở trường. Việc đấu thầu sữa cần được thực hiện minh bạch và các hãng sữa phải có những cam kết rõ ràng về trách nhiệm, biện pháp khắc phục hậu quả nếu để sữa kém chất lượng vào trường học.

LAM ANH