Du lịch hay mua sắm?

Chính trị - Ngày đăng : 08:46, 14/10/2018

Tôi chuẩn bị có chuyến du lịch nước ngoài. Vừa qua, phía công ty du lịch đã gửi cho tôi cũng như các vị khách đi cùng tour những thông tin cần lưu ý về chuyến đi.

Khi nghiên cứu kỹ lịch trình, nhiều người trong đoàn chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi trong các điểm đến có rất nhiều trung tâm mua sắm, thời gian tham quan tại các điểm mua sắm cũng chiếm một phần không nhỏ.

Nhớ lại những lần trước đây từng đi du lịch nước ngoài cũng vậy, hướng dẫn viên thường bố trí thời gian cho chúng tôi vào các điểm mua sắm rất lâu. Có lần họ còn mời chủ của trung tâm mua sắm tới giao lưu, trò chuyện với du khách hàng giờ khiến khách rất sốt ruột. Bởi lịch trình thì ngắn ngủi, mất nhiều thời gian vào các trung tâm mua sắm đồng nghĩa với thời gian để tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm các trò vui chơi, giải trí sẽ bị "ăn bớt". Có nhiều người bảo đó là do các công ty lữ hành đã bắt tay với các trung tâm mua sắm, được ăn "hoa hồng" nên mới bố trí điểm đến như vậy.

Đành rằng đi du lịch ai cũng muốn kết hợp với mua sắm những sản phẩm được coi là đặc sản địa phương, nổi tiếng của vùng miền đó về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè. Nhưng mục đích chính vẫn là đi tham quan, trải nghiệm những vùng đất mới, thưởng thức những món ăn ngon, những loại hình nghệ thuật đặc sắc. Với những vùng đất mới, đặc biệt là ở nước ngoài - nơi mà chúng ta không mấy khi có cơ hội đặt chân tới thì thời gian thăm thú càng cần được tận dụng tối đa.

Cũng là câu chuyện đi du lịch hay đi mua sắm, mới đây báo Hải Dương cuối tuần có bài viết "Cảnh giác với du lịch 0 đồng". Theo bài viết, nhiều doanh nghiệp đứng ra mời chào, tổ chức cho người dân, chủ yếu là người dân vùng nông thôn tham gia những chuyến du lịch. Khi giới thiệu thì lịch trình có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, người tham gia lại không phải đóng phí mà vẫn có xe đưa xe đón tận nơi nên rất nhiều người háo hức. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là một kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" của doanh nghiệp. Bởi người dân hầu như không được tham quan, thưởng ngoạn gì mà được đưa đến những điểm bán hàng, giá cả các mặt hàng thường bị đội lên vài lần so với giá thị trường. Như vậy, tiếng là du lịch "0 đồng" nhưng thực chất khách du lịch đã bị các doanh nghiệp "móc túi" thông qua bán hàng. Có người nói đó là người ta chào mời, còn mình thích thì mình mua, có ai ép đâu. Đúng là không ai ép ai cả, nhưng chiêu bài của các doanh nghiệp thường rất khéo, họ dùng đủ lời ngon ngọt để chiêu dụ khách hàng. Và thường người Việt Nam mình hay có tâm lý không muốn "ăn" không của ai cái gì nên vì ngại ngùng mà mua. Vì sĩ diện mà mua. Hoặc có tâm lý đám đông, thấy mọi người xung quanh nhào vào mua thì mình cũng a dua theo, mặc dù có thể bản thân hoặc gia đình không thực sự có nhu cầu.

Để tránh bị "ăn bớt" thời gian thì không nên lệ thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp sẵn của phía công ty du lịch. Tốt nhất khi ký hợp đồng với các đơn vị tổ chức du lịch, chúng ta cần thương lượng rõ. Có thể yêu cầu các doanh nghiệp này thay đổi lịch trình, giảm thời gian và địa điểm mua sắm. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu trước về các địa điểm, mặt hàng có thể mua sắm, giá cả... để tránh mất nhiều thời gian.

KIM THANH