Bảng nhãn Đỗ Uông - Công thần tiết nghĩa triều Lê

Danh nhân - Ngày đăng : 10:58, 17/10/2018

 Đỗ Uông sinh năm Quý Mùi (1523) ở xã Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc (nay là thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, Thanh Miện).


 Đình thờ Bảng nhãn Đỗ Uông tại thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, Thanh Miện    

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng Đỗ Uông sớm có tư chất thông minh hơn người. Trong khoa thi năm Bính Thìn (1556), niên hiệu Quang Bảo thứ 3, đời vua Mạc Phúc Nguyên, ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn). Thời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang (1574), ông giữ chức Hữu thị lang Bộ Binh, kiêm Vương phó (thầy của bậc vương công), sau đổi làm Tả thị lang Bộ Công. Năm Mậu Dần (1578), ông làm Chánh sứ sang nhà Minh dâng lễ cống, khi trở về được thăng chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, tước Phúc Quận công.

Cuối năm 1952, khi nhà Mạc mất, ông cùng một nhóm quan lại cũ của nhà Mạc phù tá nhà Lê, được vua Lê cho giữ nguyên chức vụ, chỉ đổi tên tước là Thông Quận công. Sau ông được phong giữ chức Thượng thư Bộ Hộ.

Khi làm quan cho nhà Lê, ông đã mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để giữ gìn kỷ cương và giữ yên đất nước, được các quan trong triều kính nể, nhân dân mến phục. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” - Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin Hà Nội, năm 2009: “Ngày 29 tháng giêng năm 1596, Hộ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Thông Quận công Đỗ Uông và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm hậu mệnh đến trước cửa trấn Nam Giao cùng với Tả giang binh tuần đạo của nước Minh là Trần Đôn Lâm trao đổi giấy tờ, lời lẽ phần nhiều khiêm tốn”.

Cảm phục sự học rộng, thông minh, giỏi đối đáp của Đỗ Uông, vào cuối năm này, một lần nữa vua Lê Thế Tông lại tin tưởng giao cho ông giao thiệp với nhà Minh: “Tháng 12 (năm 1596), Hộ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Thông Quận công Đỗ Uông làm hậu mệnh quan cùng với Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc đem hai tượng hình người vàng và bạc cùng các vật cống đến thành Lạng Sơn để đợi người Minh đến hội khám. Bấy giờ thổ quan Long Châu nước Minh nhận nhiều của đút của bọn họ Mạc, vì thế liên kết với nhau mà thoái thác, nên việc không xong, lại vừa gặp Tết Nguyên đán, nên trở về kinh”.

Do có công lao trong việc giao thiệp với sứ thần nhà Minh, ngày 6.11.1598, Hộ bộ Thượng thư Thông Quận công Đỗ Uông được vua phong chức Thiếu bảo. Đến năm Canh Tý (1600) đời vua Lê Kính Tông, trong vụ biến thủy quân ở cửa Đại Yên do bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê mưu phản nhà Lê để theo nhà Mạc, trong nước nhiễu nhương, lòng người dao động, vua vào Tây Đô lánh nạn. Đỗ Uông can ngăn xin rước vua trở về, bị loạn quân giết chết.

Sau vụ biến thủy này, vua thấy rõ lòng trung thành, trung quân, ái quốc của một vị đại khoa, Đỗ Uông được minh oan. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong, truy tặng hàng Thái bảo, phong làm Phúc thần và cho lập đình thờ tôn làm Thành hoàng làng Đoàn Lâm để tưởng nhớ công ơn.

Hiện nay, tại đình thờ Đỗ Uông (thôn Đoàn Lâm) còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và một bức hoành phi dựng vào năm Canh Ngọ, niên hiệu Bảo Đại (1930) ghi chép những điều quý báu về sự tích của Đỗ Uông tướng công. Hoành phi có đoạn viết: “Phụng trời giúp đời, cứu nước, an dân, linh thiêng hiển ứng, giúp thắng lợi, nối tiếp điều tốt, ban điều lành, phúc khánh lâu dài, khoan hòa trung hậu, đức lớn được tôn kính, ngưỡng vọng, kiên trung, nghĩa lớn, nghị luận chính đáng, đạo đức trong sáng, công trạng lớn lao, oanh liệt, mưu kế hiển hách, đạo đức thánh thiện, văn chương vì nước vì dân hết lòng hiến dâng sự tinh anh tài giỏi cho dân, cho nước; hiến dâng cho mưu kế diệu kỳ, đạt được thành tựu to lớn, linh thiêng thông suốt, công trạng lớn lao, chiến tích vĩ đại”.

Hằng năm, vào ngày 8 tháng giêng âm lịch (là ngày chính kỵ của Bảng nhãn Đỗ Uông), con cháu dòng họ Đỗ và dân làng Đoàn Lâm lại long trọng tổ chức tế lễ tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của ông - một công thần nổi tiếng thời Lê đã được ghi danh sử sách.

ĐẶNG THU THƠM