Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông: Đánh giá liệu có khách quan, công bằng?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:13, 17/10/2018
Ngày 20.7.2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT về quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 4.9.2018. Quy định mới sẽ tạo ra những chuyển biến gì và giải pháp nào để đánh giá khách quan, công bằng đối với các hiệu trưởng? Phóng viên Báo Hải Dương đã trao đổi với ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GDĐT) về vấn đề này.
- Quy định mới về chuẩn hiệu trưởng lần này có điểm gì khác so với trước đây, thưa ông?
- Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT là sự tổng hợp của các Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 8.4.2011 về quy định chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học và Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22.10.2009 quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học.
Tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn hiệu trưởng lần này được tinh gọn, tính phân hóa tốt hơn trước. Các yêu cầu đặt ra đối với hiệu trưởng cụ thể, chi tiết, cơ bản sát thực tiễn và yêu cầu ở mức độ cao. Trong đó, tập trung vào năng lực quản trị và đặt ra trách nhiệm giải trình cụ thể của hiệu trưởng về các hoạt động của nhà trường. Kết quả đánh giá theo 3 mức độ: đạt, khá, tốt và không quy ra điểm như trước. Đặc biệt, coi trọng việc tự đánh giá của hiệu trưởng, thực hiện 1 năm/lần. Chu kỳ đánh giá của cấp quản lý 2 năm/lần thay vì 1 năm/lần như trước đây.
Qua việc tự đánh giá và được đánh giá với các minh chứng đầy đủ, rõ ràng đối với cá nhân hiệu trưởng sẽ giúp họ hiểu cần phải làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt chuẩn. Cấp quản lý căn cứ vào thực tế để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ hiệu trưởng thường xuyên, liên tục. Từ đó, giúp hiệu trưởng chủ động, tự giác học tập, tự rèn, phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
- Có ý kiến cho rằng, hầu hết hiệu trưởng sẽ khó đạt tiêu chí 17 về ngoại ngữ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tiêu chí 17 về sử dụng ngoại ngữ yêu cầu từ mức giao tiếp thông thường đến mức thành thạo và chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực, tạo lập môi trường phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường ở thời điểm hiện tại thì các hiệu trưởng khó đáp ứng. Lý do chính là chương trình đào tạo ngành sư phạm trong nước chủ yếu chú trọng vào chuyên ngành mà chưa quan tâm đến năng lực ngoại ngữ, nhất là năng lực thực hành cho sinh viên từ nhiều thế hệ trước đây. Thực tế công tác tại các cơ sở giáo dục không có môi trường để hiệu trưởng sử dụng ngoại ngữ thường xuyên nên dù có kiến thức về ngoại ngữ nhưng năng lực giao tiếp, sử dụng sẽ hạn chế, kể cả người được đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ...
- Làm gì để việc đánh giá này không hình thức, thưa ông?
- Theo quy định, việc đánh giá hiệu trưởng với các hình thức: hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng; thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá. Thực hiện theo quy định thì việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng sẽ gặp một số khó khăn. Trong đó, nhiều tiêu chí mang tính định tính nên sẽ khó tránh khỏi việc đánh giá theo cảm tính. Ngoài ra, tâm lý e ngại cấp trên của đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng khiến kết quả đánh giá có thể không đúng thực chất.
Để công tác đánh giá hiệu trưởng bảo đảm yêu cầu thì tính dân chủ, công khai trong trường học cần được thực hiện tốt; lấy sự thay đổi về chất lượng quản lý, điều hành, chất lượng giáo dục của nhà trường trong điều kiện cụ thể làm thước đo chính; xây dựng hệ thống minh chứng cho từng tiêu chí phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng trường...
- Trân trọng cảm ơn ông!
DANH TRUNG(thực hiện)