Mỹ: Cần giám sát Nhật Bản và Trung Quốc vì có hoạt động tiền tệ "bất công''
Tin tức - Ngày đăng : 13:59, 18/10/2018
Trong báo cáo giữa kỳ trước Quốc hội Mỹ ngày 17.10, bộ trên cho biết 6 đối tác thương mại trong danh sách cần theo dõi chặt chẽ gồm Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sỹ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, bộ này đang triển khai những biện pháp mạnh nhằm bảo đảm các đối tác thương mại của Mỹ dỡ bỏ các rào cản "bất công" cản trở "thương mại tự do, công bằng và có đi có lại".
Tuy nhiên, báo cáo kết luận rằng không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thực hiện thao túng tiền tệ để giành lợi thế không công bằng trong thương mại.
Đối với Trung Quốc, ông Mnuchin cho rằng sự thiếu minh bạch của nước này về tỷ giá hối đoái và việc đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh gần đây là “mối lo ngại đặc biệt” đối với Mỹ. Theo ông Mnuchin, từ giữa tháng 6 vừa qua, đồng NDT đã giảm giá hơn 7% so với đồng USD. Ông nhấn mạnh “những điều này đặt ra thách thức lớn để có thể đạt được thương mại công bằng hơn và ổn định hơn”. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi và rà soát các hoạt động tiền tệ của Trung Quốc, kể cả thông qua các cuộc thảo luận với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương).
Đối với Nhật Bản, Bộ Tài chính Mỹ "tiếp tục quan ngại" về tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Dù thừa nhận Nhật Bản không can thiệp vào thị trường ngoại hối trong gần 7 năm qua, song bộ trên nhấn mạnh "hy vọng biện pháp can thiệp chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt và có sự tham vấn phù hợp". Bộ Tài chính Mỹ đề nghị Nhật Bản thúc đẩy cải cách cơ cấu để hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh tế trong nước, mở đường cho tăng trưởng dài hạn và giúp giảm nợ công cũng như mất cân bằng thương mại. Đề cập kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của Nhật Bản lên 10% vào tháng 10/2019, báo cáo trên cho rằng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cần bảo đảm triển khai đầy đủ biện pháp cần thiết nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.
Đối với Hàn Quốc, báo cáo ghi nhận thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã giảm xuống còn 21 tỷ USD trong quý IV, giảm hơn 7 tỷ USD so với mức đỉnh điểm hồi năm 2015. Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động tiền tệ của Hàn Quốc, trong đó có kế hoạch được chính quyền Seoul thông báo gần đây nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động can thiệp vào tỷ giá hối đoái.
Theo TTXVN