Chung tay vì sự sống: Cho đi là để… hồi sinh nhiều cuộc đời

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:39, 19/10/2018

Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.


Người dân viết vào phiếu đăng ký tham gia hiến tạng

Là bác sỹ, mỗi ngày tôi chứng kiến không biết bao người chết não, nhưng không phải ngày nào cũng có người hiến tạng để bổ sung vào ngân hàng mô. 

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã trải lòng như vậy trong Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ V và phát động hiến tặng mô tạng mang tên “Chung tay vì sự sống 2018,” diễn ra ngày 18.10 tại Ninh Bình.

Nhiều cuộc đời hồi sinh nhờ… việc cho đi

Trong tọa đàm vinh danh những gia đình có người thân hiến tặng mô tạng cứu người diễn ra tại Ninh Bình, những câu chuyện xúc động về các gia đình hiến tạng đã được chia sẻ.

Bố của thiếu tá Lê Hải Ninh, người đã mất và hiến tạng cứu sống 6 người khác cho biết, hiện nay quan niệm về chết toàn thây trong tâm trí của nhiều người vẫn còn nặng nề. Tuy nhiên, trước nỗi đau về tình trạng của con, nhưng gia đình vẫn nén nỗi đau và quyết định hiến tạng để sự ra đi của anh Ninh vẫn còn ý nghĩa, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân khác. 

Cho đến nay gia đình ông vẫn không biết những người được nhận tạng của anh Hải Ninh sống ở đâu, mà chỉ mong mọi người khỏe mạnh.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Ngọc Khiêm là một đầu bếp trẻ ở Thái Bình, qua đời hồi tháng 5 sau một cơn đột quỵ. Khi anh rơi vào trạng thái chết não, gia đình anh đã có quyết định hiến tạng của con để cứu những người khác.

Sau đó, trái tim của anh Khiêm được vận chuyển vào Huế, cứu một người đàn ông. Giác mạc, thận, gan của anh cũng được đem ghép để cứu những người xa lạ khác. Đến nay, tất cả các bệnh nhân nhờ tạng của anh Khiêm đều đã khỏe trở lại và đều đã trở lại với cuộc sống và gia đình.

Bà Đinh Thị Thông, mẹ anh Nguyễn Ngọc Khiêm ở Thái Bình chia sẻ: "Chúng tôi chỉ cầu mong người nhận tạng của con mình được sống khỏe mạnh, trở về với công việc. Dù con tôi đã mất nhưng cơ thể con vẫn còn đâu đó ở Việt Nam này."

Những gia đình có người thân hiến tặng mô tạng cứu người chia sẻ tại tọa đàm

Thời gian qua, rất rất nhiều những tấm lòng, những con người dù ra đi nhưng những hình ảnh, tấm lòng cao cả của họ vẫn còn sống mãi. Đó là câu chuyện về 2 em bé Hải An và Vân Nhi hiến giác mạc sau khi qua đời hồi tháng Hai và tháng Bảy vừa qua đã giúp 4 người khác nhìn thấy được ánh sáng. 

Hàng ngàn người không thể chờ đợi được ghép tạng

Tại Việt Nam, luôn có hàng ngàn người bệnh đang cận kề với cái chết vì họ mang những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến mô tạng. Để được sống, họ chỉ có một con đường là ghép mô, tạng. Đã có rất nhiều bệnh nhân đã chết vì không thể chờ đợi được ghép tạng.

Giáo sư Sơn bộc bạch: “Tôi cứ bần thần khi làm một phép tính: Nếu như tất cả những người chết não trên đất nước ta đều hiến tạng, thì ngân hàng mô có thể sẽ cứu thêm được bao nhiêu người mà tính mạng đang bị đe dọa. Một người chết não, gan sẽ ghép được cho hai trẻ hoặc hai người lớn nếu đủ thể tích, hai quả thận tặng cho hai người khác, rồi phổi, rồi tim… Bao nhiêu mạng người sẽ được cứu sống nếu như chúng tôi có thể làm xã hội thay đổi thành kiến của mình?”

Phát biểu tại chương trình đặc biệt này, giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Năm 2017 là năm có số lượng ghép nhiều nhất, cả nước đã ghép được 673 ca. Tuy nhiên, vẫn còn có hàng chục nghìn người không được thừa hưởng thành tựu này.

Trong 10 năm qua, mới có 82 người Việt Nam hiến tạng sau khi qua đời, trung bình mỗi năm chỉ có 10 người hiến. Những người hiến mô, tạng đã góp phần cứu sống được nhiều người suy gan cùng gần 30 trường hợp suy tim đã được sống khỏe mạnh. Riêng trong năm 2017, số người đăng ký hiến tạng tăng vọt trên 20.000 người.

Được thành lập từ năm 2013, trong 5 năm qua, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện công tác điều phối mô, tạng cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Trung tâm cũng xuyên thực hiện những ca vận chuyển mô, tạng đến các cơ sở y tế trong cả nước để kịp thời cứu chữa cho những bệnh nhân nặng đang chờ ghép mô, tạng.

Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ V và chương trình phát động hiến tặng mô tạng mang tên “Chung tay vì sự sống 2018” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng kỷ niệm chương Vì Sức khỏe nhân dân cho gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng kỷ niệm chương cho gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh, người đã hiến tặng tạng cứu 6 người sau khi qua đời hồi tháng 4.2018.

Theo Vietnam+