Lạm bàn về “gương mẫu”
Chính trị - Ngày đăng : 10:16, 21/10/2018
Những lời bàn phong phú, dẫn dụ chuyện thật việc thật từ ở xã, phường lên tới tận Trung ương.
Thực ra hai từ “gương mẫu" không có gì mới, nó là câu cửa miệng, hằng ngày, đã tồn tại trong đời sống con người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong nhà, cha mẹ phải nêu gương, phải gương mẫu để các con noi theo. Cha mẹ cờ bạc, rượu chè, thì các con không còn tôn trọng nữa và khi ấy quyền uy, tác dụng của cha mẹ trong giáo dục con cái sẽ vô hiệu. Các con cũng bắt chước, sinh ra trộm cắp, nghiện ngập hoặc bỏ đi bụi đời… Câu ca “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cũng là từ đó mà ra.
Có lẽ vì lâu nay, tính gương mẫu trong cán bộ, nhất là cán bộ có vị trí cao bị xem nhẹ. Cấp trên dung túng cho cấp dưới. Cấp dưới nhìn lên cấp trên mà hành xử. Rồi lợi ích nhóm xuất hiện, bè phái. Chính vì thế mà tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII có Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quy định yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện trước trách nhiệm của mình... Sự kiện này đã gây chú ý đặc biệt của cả xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Có người bảo: Chỉ những ai có địa vị, có trình độ cao mới gương mẫu. Không! Gương mẫu được hình thành từ ý thức và lòng tự trọng của con người. Em bé đi học mẫu giáo cũng biết gương mẫu đến lớp đúng giờ, học thuộc bài, xếp hàng ngay ngắn mỗi khi vào lớp. Bác tiểu thương ở khu phố cũng gương mẫu không buôn hàng cấm, hàng giả mặc dù biết rằng sẽ có lợi nhuận rất cao. Người nông dân biết gương mẫu hiến đất để mở đường nội đồng...
Điều rất dễ nhận ra là trong cơ quan, người đứng đầu phải gương mẫu. Người đứng đầu không chỉ gương mẫu trong lối sống, cách hành xử với nhân viên, mà đặc biệt là thái độ thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan thiên vị, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ, bổ nhiệm cán bộ không đúng, thì cấp dưới coi thường, mặc dù bên ngoài vẫn tỏ ra phục tùng. Từ đó nẩy sinh mầm bệnh mất đoàn kết nội bộ.
Thời kháng chiến, khi cả nước tổng động viên tuyển quân, tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, có đồng chí cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy đã tình nguyện cho con trai nhập ngũ, mặc dù ở cương vị mình, ông có nhiều lý do và điều kiện cho con mình được ở lại hậu phương. Noi gương ông, cán bộ cấp dưới và nhân dân địa phương đã hào hứng tiễn con lên đường đánh giặc.
Thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ở Thủ đô Hà Nội có đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã có việc làm được nhân dân trong khu phố nể phục. Đám cưới được tổ chức lịch sự, không phô trương, có đôi bên nội ngoại thân thích về dự. Sau đó ông gửi thiếp báo hỷ đến những bạn bè, đồng chí của mình. Đó là hình ảnh tấm gương trong đời sống của cán bộ, từng được người dân đồng tình, tôn trọng, noi theo.
Thật đáng buồn là xung quanh ta vẫn còn bao nhiêu nghịch cảnh. Trong khi người dân ở Thủ Thiêm vẫn còn sống trong những ngôi nhà tạm rách nát, thấp thỏm đợi chờ giải quyết minh oan, thì có những ngôi biệt thự khủng mà chủ nhân của nó là những người có chức có quyền. Có những người dân cư trú ở thành phố nhiều năm, khi chết muốn đưa về quê nhà cho gần tổ tiên, phải làm các thủ tục rườm rà cũng chỉ được vài mét đất dành cho nấm mộ. Vậy mà, cách đó không xa, thì có những ngôi mộ hoành tráng, người nằm trong mộ lại là người đáng phải gương mẫu.
Theo từ điển Việt - Hán, "gương mẫu" cũng có nghĩa là mô phạm, tức là mẫu mực, trong khuôn phép, làm gương. Nếu có lòng tự trọng và ý thức thì đều có thể làm gương mẫu. Người chức vụ thấp mà gương mẫu, có tác động tới một cộng đồng nhỏ. Người có vị trí càng cao gương mẫu sẽ tác động lớn tới cộng đồng rộng lớn hơn nhiều.
LÝ YẾN NAM