Hàng ngàn sinh viên ở TP Hồ Chí Minh bị buộc thôi học, vì đâu?

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:55, 24/10/2018

Chủ quan, ham chơi, chọn nhầm ngành... nhiều sinh viên bị buộc thôi học trong tiếc nuối. Nhưng cũng có sinh viên 'không hối hận' với điều mình đã chọn.

Các tân cử nhân nhận bằng tại lễ tốt nghiệp do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 27.7

Mới đây, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh ra cảnh báo học vụ và buộc thôi học hơn 170 sinh viên, trong khi con số này ở trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là gần 450 sinh viên.

"Tưởng học đại học là được thoải mái"

Là một trong số 170 sinh viên vừa bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học vì có thành tích học tập yếu kém học kỳ 2 năm học 2017-2018, sinh viên H.P. chia sẻ với chúng tôi: "Từ quê vào TP Hồ Chí Minh, được tiếp xúc với một môi trường mới với nhiều thú vui chơi, giải trí, mình bắt đầu sa ngã".

Bắt đầu chỉ từ những quán trà sữa, tiếp đó là những buổi nhậu nhẹt về đêm, rồi đến quán bar, vũ trường, P. không còn thời gian dành cho việc học vốn khá nặng ở Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

"Lúc đầu mình cũng nghĩ học đại học sẽ dễ dàng và thoải mái hơn nên bắt đầu lơ là và nảy sinh thói ăn chơi. Trong học kỳ vừa rồi mình đã bỏ thi rất nhiều buổi và kết quả là điểm trung bình thấp", P. nói.

Tuy nhiên, sinh viên mê chơi đến nỗi bị điểm kém và bị buộc thôi học như P. không nhiều.

Tại Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, một trong nhiều quy định của trường để cảnh báo học vụ sinh viên là điểm trung bình học kỳ đầu khóa dưới 0,8 điểm thang 4 (tương đương 2 điểm thang 10) hoặc điểm trung bình học kỳ cuối khóa dưới 1 điểm thang điểm 4 (tương đương 2,5 điểm thang 10).

Nếu cân đo đong đếm, để dưới 2,5 điểm trên 10 trong 1 học kỳ là chuyện… rất khó với một sinh viên có đến lớp.

Trong từng môn học, điểm giữa kỳ chiếm 30% điểm trung bình. Điểm giữa kỳ lại bao gồm nhiều điểm thành phần khác nhau như từ bài kiểm tra, điểm cộng phát biểu hay từ điểm bài tập nhóm.

Trong khi đó, 70% điểm đến từ phần thi cuối kỳ, thường dưới hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận, một số ít có thi vấn đáp.

Nếu thi trắc nghiệm, trên lý thuyết một sinh viên dù không biết một chữ bẻ đôi cũng có thể đạt 2,5 điểm theo xác suất 1/4.

Riêng với dạng tự luận, sinh viên thường có những bộ đề cương hoặc những dạng bài mẫu để ôn tập.

Chưa kể sinh viên còn có thể kêu gọi sự "giúp đỡ" (nếu cần) từ các bạn thi cùng phòng để đạt ít nhất 2,5 điểm. Hoặc ít nhất, khi làm bài tự luận, nhiều thầy cô thường cho điểm… "công chép" từ 1-2 điểm.

Do đó, dù sinh viên có năng lực tương đối thấp, hoặc chưa thoát khỏi cách học vẹt hay học mẫu thời phổ thông, việc kiếm được số điểm 2,5 cho mỗi môn hoàn toàn không phải chuyện khó.

Đó là mỗi môn, còn nếu tính cả học kỳ, sinh viên thường theo học khoảng 6-10 môn, trong đó có môn dễ, môn khó; môn đại cương, môn chuyên ngành; môn làm bài cá nhân, môn làm nhóm, môn thuyết trình… nên sinh viên dù có yếu hoặc chểnh mảng một vài môn học cũng có cơ hội lấy điểm trung bình trên 2,5 với thang điểm 10.

Như vậy những sinh viên bị cảnh báo học vụ phần lớn là những người đã bỏ học gần như tất cả các môn, thậm chí có người bỏ 1 hoặc 2 học kỳ...

Ths Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho biết trong danh sách sinh viên chính quy dự kiến bị cảnh báo học vụ hoặc dự kiến bị buộc thôi học của trường, những em bị điểm 0 chính là những sinh viên bỏ học.

Đặc biệt, đối tượng này chiếm đến hơn 1/2 danh sách. Đó là chưa kể những sinh viên có số điểm loanh quanh 0,1 - 0,3 (thang điểm 4), đồng nghĩa chỉ có điểm 1 thành phần của một trong nhiều môn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở những trường khác.

Rẽ ngang vì... chán học

Sinh viên Đ.T.M., sinh năm 1996, quê Gia Lai, quyết định nghỉ học ở trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vào giữa năm 2 để… đi lấy chồng.

"Mình đã có ý định không học nữa từ hồi năm nhất vì cảm thấy mình chọn nhầm ngành. Cá nhân mình cũng nghĩ học đại học là phí phạm thời gian", M. cho biết.

Giờ đây gia đình của M. đã có thêm một cháu bé 8 tháng tuổi, đồng nghĩa với đường trở lại trường học của M. càng xa hơn. Tuy nhiên M. cho biết mình không hề hối hận về những gì đã qua, thậm chí khẳng định nếu được trở lại thời học cấp 3 thì M. cũng sẽ không đi học nữa.

Trường hợp của L.B.L, sinh năm 1993 có lẽ đặc biệt hơn. Năm 2012, L. trở thành sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhưng đến năm 2 L. rẽ hướng do không thể tiếp thu được những môn đại cương.

"Do mình chủ quan không chú trọng những môn đại cương, từ đó cứ vướng đi vướng lại môn này đâm ra chán nản và muốn từ bỏ", L. nhớ lại.

Thế rồi L. quyết định bỏ học và thi lại vào Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, khoa địa lý. Theo học đến năm 4, do không tìm thấy hứng thú tiếp tục trong môi trường học, L. lại bỏ dở giữa chừng và bắt đầu ra đời với hai lần có tên trong danh sách buộc thôi học ở 2 trường khác nhau.

Dẫu vậy, nhờ năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, L. đã tìm được công việc tại một công ty tư nhân và đang phát triển bản thân.

"Nhìn lại mình thấy tiếc vì quãng thời gian đã bỏ phí chứ không hẳn tiếc vì không có bằng. Không có bằng lúc đầu cũng khó xin việc, nhưng môi trường làm việc hiện tại người ta vẫn đề cao kinh nghiệm và năng lực hơn nên mình hiện giờ đã ổn định" L. chia sẻ.

Theo Tuổi trẻ