Vui, buồn nghề luật sư
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:01, 28/10/2018
Luật sư Chu Thanh Nhân (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi cùng thân chủ trước giờ xử án
Bảo vệ lẽ phải
Luật sư Chu Thanh Nhân ở Văn phòng luật sư Chu Văn Chiến (Đoàn Luật sư tỉnh) đã có gần 10 năm gắn bó với nghề. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, công việc trong ngày của anh khá bận rộn và luôn phải di chuyển. Từ việc xếp lịch gặp khách hàng, lịch làm việc tại tòa án, đi thu thập chứng cứ… đều được anh thực hiện một cách cẩn trọng. Nhiều khi các luật sư còn trở thành chuyên gia tâm lý giúp thân chủ và người nhà yên tâm, tin tưởng vào lẽ phải.
Trong thời gian gắn bó với nghề, luật sư Nhân vẫn nhớ như in vụ án tranh chấp đất đai của một người vợ liệt sĩ và cô con gái xảy ra vào năm 2009 ở TP Hải Dương. Tại thời điểm ấy, người vợ liệt sĩ đã ngoài 70 tuổi. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư Nhân xác định đây là vụ việc phức tạp bởi có những tình tiết chưa rõ ràng. Mặc dù vậy, anh vẫn muốn được hòa giải mâu thuẫn cho 2 mẹ con bởi vụ việc được tiếp nhận ngay sau khi mẹ của anh qua đời. Anh muốn cố gắng hàn gắn tình cảm thiêng liêng của gia đình. Tuy nhiên, sự việc đã không diễn ra theo ý muốn. Việc khiếu nại kéo dài nhiều năm và qua nhiều cấp từ Tòa án Nhân dân TP Hải Dương, Tòa án Nhân dân tỉnh đến Tòa án Nhân dân cấp cao. Mặc dù thời gian giải quyết vụ việc kéo dài nhưng luật sư Nhân không bỏ cuộc. Anh luôn sát cánh cùng thân chủ, năng nổ, nhiệt tình để tìm sự thật. Cuối cùng, vụ án đã kết thúc vào đầu năm 2017 trong sự vui sướng, hạnh phúc của cả anh và người vợ liệt sĩ lúc này đã ở tuổi 80 bởi công lý đã chiến thắng.
Luật sư Nhân cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ công lý và lẽ phải. Vì vậy, mỗi vụ việc đều phải được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, chính xác, mất nhiều thời gian, công sức. Chỉ cần một sai sót cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.
Giữ tâm trong sáng
Đã có thời gian gần 10 năm công tác, luật sư Đinh Ngọc Phán, Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc đã tham gia bào chữa ở rất nhiều phiên tòa để bảo vệ cho thân chủ và tư vấn giải quyết các vụ việc liên quan. Anh Phán chia sẻ, hơn 10 năm gần đây, xã hội, con người có nhiều thay đổi, phát sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp. Các vụ án liên quan đến kinh tế, hình sự, tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình xảy ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Vì thế, công việc của giới luật sư cũng vất vả gấp nhiều lần. Tuy nhiên, anh quan niệm phải luôn giữ tâm trong sáng để mỗi vụ việc đều được xử lý chính xác, theo đúng pháp luật. Nhiều lúc, các luật sư còn trở thành chuyên gia tư vấn miễn phí.
Năm 2012, luật sư Phán nhận tư vấn thủ tục ly hôn cho một phụ nữ ngoài 50 tuổi ở huyện Nam Sách. Do người chồng làm thợ xây nên hay đi nhiều nơi, có quan hệ phức tạp, về nhà thường chửi mắng vợ con. Không chịu nổi tình cảnh này, người vợ quyết định ly hôn. Qua tiếp xúc và tìm hiểu câu chuyện, anh Phán nhận thấy vẫn có cơ hội cứu vãn cuộc hôn nhân này. Bằng vốn kinh nghiệm qua từng vụ án và đời sống thường ngày, anh phân tích, giảng giải để người phụ nữ kia hiểu được điều hơn, thiệt. Lúc đầu, người phụ nữ này không nghe mà cương quyết đưa chồng ra tòa. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc, động viên, phân giải, họ đã chữa lành được vết thương, bỏ qua những lỗi lầm để hàn gắn trở lại.
Một số người vẫn hay nghĩ luật sư là nghề có nhiều quan hệ, kiếm được nhiều tiền nhưng thực tế những khó khăn, vất vả chỉ có người trong nghề mới hiểu hết. Để có thể trở thành một luật sư phải trải qua một thời gian dài học tập và đào tạo. Theo quy định, ngoài tấm bằng cử nhân, luật sư phải qua lớp đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư, thời gian tập sự và thi qua kỳ thi kết thúc tập sự. Thời gian này tối thiểu là 6 năm hoặc có thể kéo dài hơn. Có người theo đuổi cả chục năm mới trở thành một luật sư.
Anh Phán cho biết: “Công việc vất vả lắm nhưng thu nhập của anh em luật sư cũng chỉ đủ sống. Nhiều khi gặp trường hợp khó khăn, người cao tuổi, gia đình chính sách, chúng tôi chỉ làm giúp chứ không nhận phí. Gặp người tốt, sau khi tư vấn hay hoàn tất vụ việc thì họ đến có lời cảm ơn. Nhưng cũng có trường hợp mình thấy vấn đề của họ khiếu nại là sai, phân tích để nhận ra lẽ phải thì họ phản ứng ra mặt, thậm chí còn có những lời nói không đúng mực. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn giữ vững cái tâm với nghề”.
Công việc vất vả nên không phải ai cũng gắn bó được với nghề. Vì thế, người trẻ thường ít chọn học luật và đầu tư thời gian, chất xám để trở thành luật sư. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 luật sư đang hành nghề, trong đó có khoảng 30 người là người cao tuổi, đã nghỉ hưu. Chỉ có tình yêu nghề mới giúp họ gắn bó với nghề luật sư trong thời gian dài. Mặc dù khó khăn là thế nhưng các luật sư như anh Phán, anh Nhân luôn tin rằng nghề luật sư sẽ có triển vọng trong tương lai vì góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
ĐỨC TÂM