Tín hiệu tích cực từ giảng đường về nghiên cứu khoa học

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 21:30, 29/10/2018

Vừa qua, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp bộ năm 2018 tổng kết với 291 giải thưởng, trong đó có 9 giải nhất và 49 giải nhì.

Nhóm sinh viên HUTECH đạt giải nhất Sinh viên NCKH cấp bộ năm 2018

Điểm chung của giải thưởng năm nay là các đề tài nghiên cứu đi sát với nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đa dạng của đời sống sản xuất.

Sinh viên làm NCKH: Gắn trực tiếp với yêu cầu thực tiễn

Một trong những đề tài giành giải nhất nổi bật tại Giải thưởng Sinh viên NCKH năm nay là "Thu nhận bột đạm giàu astaxanthin từ phế liệu đầu tôm sú Penaeus Monodon bằng Alcalase LFG 2.4 1128 và Lipase L3126 kết hợp", thuộc lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ của nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH).

Đề tài được đánh giá là một nghiên cứu đặc biệt thiết thực, giúp tận dụng nguồn phế liệu đầu tôm sú đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với thực trạng nghề nuôi tôm ở Việt Nam hiện nay, vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ chế biến mà còn ở nguy cơ ô nhiễm môi trường, nghiên cứu này khi được ứng dụng sẽ góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Hoặc trong lĩnh vực Khoa học xã hội, giải nhất thuộc về Nghiên cứu lý thuyết và xây dựng phần mềm tra cứu Hán Việt đồng âm của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Dễ dàng nhận ra đề tài không chỉ xây dựng lý thuyết mà còn bảo đảm tính ứng dụng, mang lại một công cụ hiệu quả để bảo vệ tiếng Việt trong thời đại hội nhập "đa ngôn ngữ" hiện nay.

Từ giá trị của những nghiên cứu này, có thể khẳng định giáo dục đại học không phải chỉ là truyền tải kiến thức hay dạy làm một nghề, mà quan trọng hơn là tạo được giá trị cho xã hội.

Một trong những nền tảng quan trọng làm nên hiệu quả NCKH sinh viên năm nay là chủ trương tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các trường đại học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đầu tư phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao... ngay trong trường đại học.

Hệ thống trung tâm thí nghiệm hiện đại ngay trong các trường đại học là cơ sở làm nên hiệu quả của sinh viên NCKH năm nay

Chẳng hạn, nhóm sinh viên HUTECH - chủ nhân của đề tài đạt giải nhất nêu trên - có lợi thế với hệ thống phòng nghiên cứu thí nghiệm tại Viện Công nghệ cao HUTECH, nằm trong khuôn viên Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP). Đây là động lực cho nghiên cứu, học tập và đồng thời là sự thể hiện quyết tâm đầu tư nghiêm túc cho NCKH, chuyển giao công nghệ.

Năng lực thực hành và tổ chức - hành trang khởi nghiệp

Gần như đồng thời với Giải thưởng Sinh viên NCKH 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tại Huế, tại TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra vòng Chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can - giải thưởng khởi nghiệp độc lập do các doanh nghiệp trực tiếp lựa chọn và trao tặng. Quan niệm trước đây, nghiên cứu và khởi nghiệp là hai hướng đi hoàn toàn khác cho sinh viên, đồng thời cũng là định hướng đào tạo khác biệt mà các trường đại học phải chọn.

Tuy nhiên, từ phương thức tiếp cận mới theo tinh thần Nghị quyết 29 - tập trung đào tạo năng lực tư duy, khuyến khích tự học, xây dựng nền tảng để tự cập nhật và đổi mới tri thức, phát triển năng lực thực hành,... có thể thấy những kỹ năng sinh viên được đào tạo ở giảng đường chính là tiền đề tất yếu để khởi nghiệp.

Các đề tài khởi nghiệp của Sinh viên HUTECH tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018 được đánh giá cao

Tại Chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, một trong những dự án được đánh giá cao là Không gian "Quán ăn Sử Việt" của hai sinh viên Đoàn Minh Tân và Nguyễn Tấn Phát (năm 3 ngành Quản trị kinh doanh HUTECH). Theo các nhà đầu tư, điểm cộng của dự án không chỉ nằm ở hiệu quả kinh tế mà còn ở giá trị văn hóa với tiêu chí "Ăn món Việt, nhớ ngay sử Việt": tất cả món ăn đều được đặt tên thuần Việt, gợi nhớ về các giai thoại lịch sử Việt Nam như: Thịt chằn tinh, Nem công chả phượng, Rượu Sát Thát,… Sự nhạy bén của nhóm sinh viên trong việc nhận định nhu cầu thị trường, sự mới lạ và tinh thần dân tộc chính là điểm nhấn ấn tượng tạo nên sự khác biệt cho dự án, trong một cuộc thi với hơn 1.400 đề tài từ cộng đồng khởi nghiệp cả nước.

Những giá trị từ đề tài nghiên cứu, dự án khởi nghiệp được cả giới nghiên cứu (như Giải thưởng Sinh viên NCKH) và giới doanh nghiệp (như Giải thưởng Sinh viên khởi nghiệp) công nhận là một tín hiệu đáng mừng từ giảng đường đại học - cho thấy năng lực nghiên cứu, năng lực tổ chức và làm việc trong môi trường thực tiễn ở sinh viên được nâng cao đáng kể.

S.C (Tuổi trẻ)