Bộ trưởng Tô Lâm: Chủ tiệm vàng không khiếu nại "vụ 100 USD"

Chính trị - Ngày đăng : 17:59, 30/10/2018

Ông Lê Hợp Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính vụ "đổi 100 USD" và không có khiếu nại hay khởi kiện.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 30.10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về tình trạng còn hơn 11.700 tội phạm truy nã đang nhởn nhơ ngoài xã hội, cùng những giải pháp căn cơ để giảm tính nguy hại từ các đối tượng này. 

Đại biểu cũng đặt vấn đề về vụ một doanh nghiệp mua 100 USD của người dân khi không được pháp luật cho phép và đã bị Công an Cần Thơ khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc với câu hỏi việc làm này đúng hay sai.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết theo thống kê, lượng tội phạm bị truy nã hiện nay còn tồn tại trên 11.700 đối tượng, có thể dẫn tới những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do đó phải tập trung để truy bắt. 

Về biện pháp, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần tăng cường công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, tăng cường việc “nắm người, nắm hộ” ngay từ cơ sở. Những biện pháp này lực lượng Công an đã cơ bản thực hiện nhưng vẫn phải tăng cường hơn nữa, đặc biệt là quản lý những giấy tờ tùy thân. 

“Chúng tôi đang thực hiện cải cách, từ chứng minh nhân dân, quản lý hộ khẩu cho đến quản lý căn cước công dân, sẽ có quá trình không thể làm giả mạo giấy tờ mà những đối tượng trốn truy nã đã lợi dụng,” Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường thông tin tội phạm, trước hết là trong lực lượng công an. Mỗi đơn vị khi xử lý vụ án, phát hiện những đối tượng trốn truy nã phải có thông báo thông tin tội phạm rộng rãi trong nhân dân và trước hết là thông báo trong lực lượng công an để huy động lực lượng.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, toàn bộ lực lượng công an đều có nhiệm vụ phát hiện và thực hiện công tác truy nã tội phạm. Khoảng chục năm trở lại đây, Bộ có thành lập lực lượng chuyên trách về truy nã tội phạm, tuy nhiên nếu chỉ có lực lượng này thì không đủ sức bao quát được các đối tượng truy nã trên phạm vi toàn quốc. Do đó, vừa qua Bộ Công an đã sửa đổi, chỉ đạo theo hướng tội phạm của đơn vị nào, lực lượng nào đang truy nã đối tượng thì phải truy đến cùng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, không để các đối tượng nguy hiểm chạy trốn, đặc biệt trốn ra nước ngoài, là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, lực lượng công an cần phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong việc kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng tội phạm trốn ra nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, nhất là những nước xung quanh. 

“Gần đây chúng tôi đang xúc tiến đẩy mạnh hợp tác về dẫn độ tội phạm trong phạm vi các nước ASEAN; hiện trong quá trình đàm phán và mở rộng đến các nước khác trên phạm vi thế giới để ngăn ngừa tội phạm trốn ra nước ngoài,” Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường phát động quần chúng nhân dân phát hiện các đối tượng truy nã. Một trong những biện pháp tích cực là gần sát với dân hơn nữa, tăng cường lực lượng công an cơ sở để quản lý các đối tượng ngay từ cơ sở.

Về vụ việc Công an thành phố Cần Thơ khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc của một doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ngày 30.1.2018, Công an Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hợp Lực, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, có hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. 

Từ những căn cứ trên, Công an thành phố Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa chỉ nhà ông Lực.

Qua khám xét, tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng, đá hột, 4 sổ sách kinh doanh và một số tang vật khác. Ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không có giấy phép mua bán ngoại tệ. 

Công an thành phố Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính của ông Lực. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lực theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ người tiêu dùng. 

Hiện nay, ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính này và không có khiếu nại hay khởi kiện.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét đây là vụ việc gây bức xúc cho xã hội.

"Dù chúng ta có nghị định xử phạt như thế nhưng tính chất của việc một người có 100 USD đi đổi chứ không phải là đi kinh doanh ngoại tệ. Có vi phạm nhưng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này. Về tính chất từng vụ việc và việc khám xét nhà phải đúng luật và thực hiện đúng thời gian. Phạt hành chính 6 tháng hay 9 tháng sau rồi mới ra quyết định, báo chí và dư luận rất quan tâm đến việc này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật. Quy định nào chưa hợp lý phải sửa cho dân nhờ," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng đặt câu hỏi đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí về vụ án chạy thận làm chết người ở Hòa Bình, bác sỹ Hoàng Công Lương 3 lần thay đổi tội danh và chất vấn về vai trò của kiểm sát viên, chất lượng điều tra vụ việc. 

Đối với vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng đây là vụ án hết sức phức tạp, hậu quả rất nghiêm trọng, làm chết 9 người. 

"Đây là điều đáng tiếc, chúng ta không mong muốn xảy ra. Nhưng trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chứng minh được đúng bản chất của tội phạm. Quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và kể cả Tòa án đã xác định tội danh, đánh giá chứng cứ, định khung hình phạt tối đa, tối thiểu... nhưng vụ án có thể thay đổi khi xuất hiện yếu tố mới, tình tiết mới, chứng cứ mới," ông Lê Minh Trí nói.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, quá trình điều tra, truy tố vụ án này có những bị can phản cung (thay đổi lời khai), có phát hiện, phát sinh một số tài liệu, chứng cứ có nghi vấn cần được làm rõ, nên việc điều chỉnh tội danh nhằm bảo đảm đúng bản chất tội phạm, để không oan, không lọt. Đây là lẽ đương nhiên đối với những vụ án có tính chất phức tạp.

Theo TTXVN