Không “trừng trị, triệt tiêu giới trí thức”
Chính trị - Ngày đăng : 08:25, 01/11/2018
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kiến nghị thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Đây là một kiến nghị đúng đắn, được nhiều cán bộ, đảng viên, tri thức trong nước và ngoài nước đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện này, các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị đã tuyên truyền, xuyên tạc trên mạng xã hội, gây hoài nghi trong dư luận nhân dân.
Chúng cho rằng kỷ luật ông Chu Hảo nhằm "trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức đối với các đường lối sai lầm của Đảng". Một số đối tượng còn núp dưới danh nghĩa trí thức đã xuyên tạc, kích động và cho rằng ông Chu Hảo đã dũng cảm cho in những cuốn sách có giá trị, thúc đẩy tự do, dân chủ, bỏ nhiều công sức cho việc chấn hưng dân trí. Kỷ luật ông Chu Hảo là “đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm”, sẽ dẫn đến tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt”; “kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam”. Thậm chí chúng còn tung hô ông Chu Hảo là “trí thức chân chính”, bị kỷ luật Đảng thì sẽ “trở về với nhân dân”, đóng góp cho sự phát triển đất nước tốt hơn “với tư cách là người tự do”. Đồng thời, chúng lượm lặt thông tin về một số nhân vật bất mãn để “thổi” lên thành sự kiện: “Rộ trào lưu bỏ Đảng sau vụ Tiến sĩ Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật”.
Cần khẳng định rằng việc xử lý kỷ luật về Đảng đối với ông Chu Hảo không chỉ nhằm giữ nguyên kỷ luật Đảng, mà là loại bỏ những đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Bởi lẽ, ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nhưng đã làm những điều trái với quan điểm của Đảng, vi phạm nghiêm trọng Quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong khi đó, các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Xử lý kỷ luật về Đảng đối với ông Chu Hảo còn giúp xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xuất bản trong sạch, vững mạnh hơn. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho một số ít nhân sĩ, trí thức hoặc lợi dụng danh nghĩa trí thức chưa vững vàng về lập trường, tư tưởng, có những dấu hiệu suy thoái, phai nhạt lý tưởng đang bị lôi kéo, kích động đi ngược lại lý tưởng cách mạng.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Đảng ta khẳng định thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội. Đồng thời, mong muốn đội ngũ trí thức không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.
Những luận điệu kỷ luật ông Chu Hảo nhằm "trừng trị giới trí thức” là hoàn toàn xuyên tạc. Mỗi cán bộ, đảng viên cần coi đây là bài học đắt giá, nghiêm túc nêu gương trước quần chúng nhân dân, tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống. Những người có chức vụ cao không nên tự cao, tự đại, tự mãn, mà luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, yêu thương cấp dưới, quý mến đồng nghiệp và tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, cao hơn là lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng.
PHÙNG VĂN HẠNH