Xúc phạm thầy cô trên Facebook, học sinh bị đuổi học: Chưa thuyết phục
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:09, 01/11/2018
Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa quyết định buộc thôi học một năm đối với ba học sinh lớp 10A5 do vi phạm đạo đức. Bốn em nam khác bị đuổi học một tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.
Các em lập group chat để nói xấu các thầy cô. Trong một lần một học sinh bị thu điện thoại, điện thoại lại không để chế độ khóa nên cô giáo đã phát hiện ra các tin nhắn này, nhà trường tiến hành xử lý kỷ luật các em. Lý do, vì những em này đã "dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường".
Theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông thì “Việc khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh là một trong các biện pháp giáo dục quan trọng trong nhà trường phổ thông, nhằm mục đích: Khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo các gương tốt để tu dưỡng và rèn luyện bản thân; Ngăn chặn không để các hiện tượng sai trái phát triển, giáo dục các học sinh phạm sai lầm, giúp các học sinh này phấn đấu trở thành học sinh tốt”. Vậy nên, khi đuổi học các em, các thầy cô có lường được hậu quả trong thời gian bị đẩy ra khỏi trường học các em sẽ làm gì, hậu quả sau sẽ ra sao và công sức dạy dỗ của thầy cô từ trước đó liệu có đổ xuống sông, xuống biển. Chưa kể, các căn cứ để “buộc tội” lại không hề thuyết phục.
Những việc các em làm là do giới hạn về nhận thức, đạo đức, còn hành vi thì chưa gây nguy hiểm, chưa ảnh hưởng đến thầy cô nào trong trường. Vậy nên, việc các thầy cô dùng biện pháp “cắt đứt” sự liên hệ của các em với môi trường giáo dục thì liệu còn ý nghĩa nhân văn của ngành giáo dục nữa không, có thỏa đáng không? Hơn nữa, điện thoại và thông tin trong điện thoại là những thứ thuộc đời tư, bí mật của cá nhân, các thầy cô không có quyền để xâm phạm các thông tin trong đó và lấy đó làm bằng chứng để xử lý kỷ luật với các em?
Tất cả chúng ta, ai cũng đã có thời cắp sách tới trường, đã từng có những lời bình luận, đàm tiếu về thầy cô ở các mức độ. Hầu như ai cũng có những người thầy rất đáng kính, tôn trọng suốt đời; nhưng có những người thầy, người cô để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp. Đó là thực tế, là cuộc sống, dù muốn hay không muốn thì nó vẫn diễn ra như vậy.
Việc các em lập nhóm nói xấu thầy cô không ai khuyến khích. Bản thân các em có lẽ cũng chỉ muốn “xả bớt” những bức xúc trong lòng với một thầy cô nào đó. Các em đã sai về nhận thức, về đạo đức. Khi xảy ra sự việc này, lẽ ra việc đầu tiên các thầy cô phải tìm hiểu, gặp gỡ hoặc bằng cách nào đó trao đổi với các em để biết đâu là căn nguyên khiến các em nói xấu thầy cô như vậy. Thầy cô không phải vẹn toàn, đẹp đẽ tới mức không tì vết và cũng không thể ép học sinh phải yêu kính mình nếu không thực sự chuẩn mực. Các cụ ta đã có câu “không có lửa thì sao có khói”, trong trường hợp này, có lẽ thầy cô cũng phải tự xem lại mình.
Trẻ em có quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. Việc các em bị xâm phạm thông tin đời tư, bị đuổi học với những căn cứ không thuyết phục khiến dư luận bàn cãi, phản ứng. Chính cách xử lý này đang gây những ảnh hưởng xấu đến nhà trường nói riêng và môi trường giáo dục nói chung.
Theo VOV.vn