Tạo sức bật cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:59, 02/11/2018
Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục ở Trường Tiểu học Thanh Sơn (Thanh Hà) được đầu tư khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia mức độ II
5 năm qua, Hải Dương đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết Trung ương 8 khóaXI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Qua đó đã góp phần tạo nên những chuyển biến rõ nét cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GDĐT) Hải Dương.
Những thành tích mới
Theo Sở GDĐT, thành công lớn nhất sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 là chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, quy mô trường lớp, hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Mạng lưới, quy mô trường lớp của tỉnh từng bước hoàn thiện theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Toàn tỉnh hiện có 942 trường học ở các cấp, tăng 29 trường so với năm 2013, trong đó có 75 cơ sở GDĐT ngoài công lập; 265 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. 5 năm qua, các trường đã tiếp nhận hơn 16.464tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Trong đó, hơn 187 tỷ đồng ngân sách Trung ương, hơn 14.953 tỷ đồng ngân sách địa phương và hơn 1.323 tỷ đồng từ các nguồn khác. Tỉnh đã nâng mức hỗ trợ xây dựng phòng học kiên cố từ 25 triệu đồng/phòng lên 50 triệu đồng/phòng và mức xây dựng trường chuẩn quốc gia từ 500 triệu đồng/trường lên 3 tỷ đồng/trường. Do đó, tỷ lệ phòng học kiên cố của tỉnh tăng nhanh, từ 90,4% lên 93,9%. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia cũng tăng mạnh, từ 418 trường lên 660 trường. Số trường chuẩn quốc gia của bậc mầm non và THCS đã vượt kế hoạch của tỉnh đề ra trong giai đoạn 2015 - 2020.
Nhiều năm nay, tỉnh ta liên tục nằm trong tốp đầu toàn quốc về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Đối với phổ cập giáo dục, trẻ 5 tuổi bậc mầm non đạt chuẩn, bậc tiểu học đạt chuẩn mức độ 3, bậc THCS đạt chuẩn mức độ 2. Công tác xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,99%, thanh niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS chiếm 97%. 100% đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn phổ cập THCS.
Các trường đẩy mạnh áp dụng hình thức, phương pháp dạy học mới. Việc dạy ngoại ngữ, tin học của tỉnh có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao. Tính đến hết tháng 7.2018, tỷ lệ các bậc học có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng đạt cao, với 73,6% số trường tiểu học, tăng 51%; 54% số trường THCS, tăng 48,9%; 37% số trường THPT, tăng 31,4% so với năm 2013. Số lượng giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ chiếm 79,4%, tăng 57,6% so với năm 2013.
Các cơ sở GDĐT đại học, cao đẳng, trung cấp tăng cường hợp tác, tiếp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình giáo dục. Từ đó nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh, sinh viên.
Công tác quản lý GDĐT và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm. Hết năm học 2017 - 2018, 100% số cán bộ, giáo viên của tỉnh đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo; tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn ngày càng cao (bậc mầm non 76,8%, tiểu học 99,4%, THCS 81,5% và THPT có 16,6% số giáo viên trình độ trên chuẩn).
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 29 của tỉnh cũng còn một số hạn chế. Nhiều địa phương, đơn vị, trường học xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết còn chung chung, chưa gắn với tình hình thực tiễn. Một số chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 như phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học. Năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế, chưa bảo đảm dân chủ dẫn tới tình trạng đơn thư khiếu kiện ở một số nơi. Nhiều trường còn có tình trạng dạy thêm, học thêm và thu góp không đúng quy định. Định mức giáo viên giao đối với bậc tiểu học, mầm non thấp so với yêu cầu, gây khó khăn trong tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nhất là năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh. Khả năng ứng dụng tin học, công nghệ hiện đại vào quản lý, giảng dạy của nhiều giáo viên còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong các trường tuy đã được đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29, thời gian tới, tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và tỉnh đã đề ra; đổi mới mạnh mẽ các hoạt động giáo dục theo tinh thần của nghị quyết. Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp đồng bộ, tăng cường các nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho GDĐT, tăng tính tự chủ trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về GDĐT. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nhà giáo theo mục tiêu, lộ trình đã được tỉnh phê duyệt để bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới...
DANH TRUNG