Tuổi trẻ Bình Giang "giữ lửa" làng nghề

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 07:15, 03/11/2018

​Nhờ sức trẻ, dám nghĩ dám làm, những người con của quê hương Bình Giang đã gìn giữ, phát triển nghề do cha ông để lại. Nhiều thanh niên vươn lên làm giàu bằng nghề truyền thống.


Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Chu Đình Thao ở thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh có doanh thu từ -10 tỷ đồng/năm

Đam mê nghề truyền thống

Có trong tay 2 tấm bằng đại học nhưng anh Vũ Xuân Hùng (sinh năm 1982) ở thôn Cậy, xã Long Xuyên lại không gõ cửa bất kỳ một nhà tuyển dụng nào. Anh về quê lập nghiệp, làm giàu bằng nghề gốm của cha ông. 

Anh Hùng sinh ra và lớn lên ở làng nghề gốm, từ khi còn bé anh đã quen với nắm đất, bàn xoay. Bố anh là nghệ nhân Vũ Xuân Năm đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề gốm. Anh Hùng cho biết trước đây anh theo học ở Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và học thêm một bằng công nghệ thông tin nữa. Anh từng có ý định trở thành giảng viên đại học nhưng trót “phải lòng” nghề gốm của quê hương nên quyết định về quê mở xưởng riêng. Những ngày đầu lập nghiệp anh gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư. Nhưng vì đam mê dành cho gốm, anh đã vượt qua tất cả. Hiện tại, anh đã xây dựng được xưởng gốm rộng hàng nghìn mét vuông, đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại. Vợ anh là chị Vũ Thúy Ngà (sinh năm 1990), từng học y, đang làm việc ổn định ở một cơ quan nhà nước cũng đã xin nghỉ việc cùng chồng gây dựng xưởng gốm của gia đình. Sản phẩm gốm của gia đình anh Hùng chủ yếu là bình, ấm, tích, chậu hoa, nậm rượu, bình vôi… Anh Hùng vẫn tuân thủ các quy trình sản xuất gốm thời xưa, hoàn toàn làm thủ công. 

Bình Giang còn nổi tiếng với nghề chế tác vàng bạc ở xã Thúc Kháng. Nơi đây có nhiều thanh niên vẫn đang giữ "lửa" cho nghề. Một trong số ấy là anh Vũ Đình Thuận ở thôn Lương Ngọc. Năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Thuận đã có 17 năm gắn bó với nghề chế tác vàng bạc. Hiện anh có một xưởng chế tác bạc của riêng mình. Tự tay tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc như khuyên tai, vòng cổ, vòng tay… là niềm vui đối với anh. Dù đã thử qua một vài nghề khác như chăn nuôi, cơ khí nhưng tình yêu đối với nghề chế tác, sản xuất vàng bạc là động lực để anh gắn bó với công việc này.  


Anh Vũ Xuân Hùng ở thôn Cậy, xã Long Xuyên luôn đam mê theo đuổi nghề gốm

Làm giàu

Cơ sở chế tác bạc của anh Thuận đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt trên 700 triệu đồng, trừ chi phí, anh Thuận thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Để cơ sở hoạt động ổn định như hiện tại, anh Thuận từng phải lặn lội đi tìm các mối hàng. Anh xác định chỉ bằng uy tín và chất lượng mới có thể tạo dựng được niềm tin. Bởi vậy, khách có yêu cầu gì anh đều đáp ứng. Hàng chưa đạt yêu cầu, anh đều sửa lại bằng được, đến khi nào nhận được cái gật đầu hài lòng của khách mới thôi. Những cố gắng của anh cuối cùng cũng được đền đáp bằng thành quả hôm nay.

Từ một người làm thuê, sau 20 năm, anh Chu Đình Thao (sinh năm 1980) ở thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất với tổng diện tích trên 1.000m2, doanh thu từ 9-10 tỷ đồng/năm; năm nào làm ăn thuận lợi có thể thu từ 15-17 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng. Anh Thao học nghề từ năm 15 tuổi. Khi ấy anh vừa rời ghế nhà trường, anh đi khắp làng học nghề từ các chú, các bác. Hồi đó chưa quen tay đục, tay bào, mùn bụi, tiếng ồn từ xưởng làm đồ gỗ, lắm lúc anh muốn bỏ nghề. Nhưng đam mê với nghề cứ thôi thúc anh cố gắng. Gần chục năm làm thuê, khi đã tích được một khoản kha khá, anh Thao đứng ra mở xưởng, đầu tư máy móc, tự sản xuất. “Làm dần rồi quen, cái gì chưa biết thì mình học hỏi”, đó là bí quyết giúp anh Thao vượt qua khó khăn ban đầu và đạt được thành công. Hiện anh đang thuê 18 lao động, đa số là thanh niên dưới 35 tuổi, với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Anh Thao cũng nhận đào tạo nghề cho người mới. 

Anh Hùng, anh Thuận, anh Thao đều là những người con sinh ra tại quê hương có nghề truyền thống. Họ có điểm chung là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống. Bằng tài năng và ý chí, những người trẻ ấy đã gìn giữ, phát huy và làm giàu từ nghề của ông cha. 

Theo Huyện đoàn Bình Giang, các đoàn viên, thanh niên đang là lực lượng lao động chính tại một số làng nghề của huyện. Tại làng nghề mộc Phương Độ có trên 90% lao động là đoàn viên, thanh niên. Ở làng nghề vàng bạc thôn Lương Ngọc, Châu Khê (xã Thúc Kháng), lao động là đoàn viên, thanh niên chiếm trên 80%. Trong các làng nghề có nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Đến nay, hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên của huyện đã được tiếp cận với nguồn vốn vay này với số tiền 32 tỷ đồng.

HOÀNG HÀ