Sắp xếp lại Hạt Giao thông cấp huyện. Bài cuối: Cổ phần hóa là cần thiết
Xã hội - Ngày đăng : 12:00, 03/11/2018
>>Sắp xếp lại Hạt Giao thông cấp huyện. Bài 1: Kinh phí chủ yếu chi cho con người
Công nhân Hạt Giao thông Gia Lộc cắt cỏ tại đường 62 m
Do kinh phí chủ yếu chi cho con người nên trang thiết bị, phương tiện để phục vụ hoạt động của hầu hết các Hạt Giao thông nghèo nàn, lạc hậu. Khi sửa chữa đường, trám vá ổ gà, phần lớn các hạt đều phải đi thuê, từ nồi nấu nhựa đến xe lu, máy xúc...
2 năm "đệm"
Ngày 24.5.2018, UBND tỉnh có công văn số 1654/UBND-VP về việc thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ do UBND cấp huyện quản lý. Từ năm 2019, UBND cấp huyện phải chuyển đổi phương thức thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện từ giao kế hoạch sang đặt hàng. Thời gian đặt hàng kéo dài đến hết năm 2020. Từ năm 2021, việc bảo trì hệ thống đường huyện chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Chỉ đạo của UBND tỉnh đồng nghĩa với việc ngay trong năm 2018, Sở Giao thông vận tải phải phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng giá sản phẩm dịch vụ công ích theo Thông tư liên tịch số75/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 6.6.2011 của liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải đối với những phần việc không sử dụng vật liệu như quét dọn đường, cắt cỏ, khơi nước, nắn chỉnh cột tiêu, biển báo, sửa mái ta luy...
Những phần việc phải sử dụng vật liệu như sửa chữa, trám vá ổ gà, làm thêm đường... liên ngành tài chính - giao thông sẽ lập dự toán để bố trí kinh phí thực hiện. Cơ chế này sẽ được thực hiện trong các năm 2019-2020. Từ năm 2021, việc quản lý, bảo trì đường huyện, gồm cả dùng vật liệu và không dùng vật liệu, Nhà nước đều sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị thực hiện. Khi đó, những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, năng lực tài chính quy định trong Luật Đấu thầu sẽ tham gia đấu thầu.
Để đủ tư cách tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo trì đường cấp huyện, Hạt Giao thông các huyện, thành phố (gồm cả Xí nghiệp Giao thông thuộc UBND TP Hải Dương) và Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh phải chuyển sang loại hình công ty cổ phần. Và đó là công ty không còn vốn Nhà nước hoặc nhiều nhất Nhà nước cũng chỉ nắm giữ không quá 30% cổ phần của doanh nghiệp theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều2, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ.
Bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả sẽ tăng
Cổ phần hóa Hạt Giao thông các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh là việc phải làm nhằm đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Đây không phải việc làm mới khi đầu năm 2016, UBND tỉnh đã cổ phần hóa Đoạn Đường bộ Hải Dương - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông vận tải thành Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương. Mặc dù Nhà nước vẫn nắm giữ 86% cổ phần, người lao động chỉ nắm 14% cổ phần, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tham gia đấu thầu nhưng hiệu quả hoạt động của công ty có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Trước khi cổ phần hóa, đơn vị được giao kế hoạch quản lý, bảo trì đường tỉnh như các Hạt Giao thông hiện nay. Nếu tính ở thời điểm này mỗi km được giao 60 triệu đồng/năm, trừ 10% chi cho sửa chữa nhỏ, mỗi km còn 54 triệu đồng/năm. Toàn bộ số tiền này để chi cho con người.
Sau khi cổ phần hóa, do chưa đủ điều kiện đấu thầu nên UBND tỉnh thực hiện cơ chế đặt hàng với mức giá dịch vụ được tính theo quy định của Thông tư liên tịch số 75 là 25,7 triệu đồng/km/năm. Như vậy, kinh phí bảo trì mỗi km đường bộ giảm 28,3 triệu đồng/năm. Với 252 km đường tỉnh đang được giao quản lý, bảo trì khi thực hiện theo cơ chế đặt hàng, ngân sách tiết kiệm được hơn 7,1 tỷ đồng/năm so với giao kế hoạch.
Do chi phí quản lý, bảo trì theo cơ chế đơn đặt hàng giảm mạnh nên ngay sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Cầu đường bộ Hải Dương cho 91 người nghỉ chế độ. Sau 3 năm hoạt động, công ty tiếp tục chấm dứt hợp đồng lao động với những người làm việc không hiệu quả. Đến nay, doanh nghiệp còn 130 người. Từ chỗ mỗi công nhân phụ trách, bảo trì từ 1-2 km đường trước khi cổ phần thì nay, mỗi công nhân phụ trách từ 4-5 km. Thu nhập bình quân của người lao động hiện đạt 5,5triệu đồng/tháng, tăng 2,14 triệu đồng/tháng so với trước khi cổ phần hóa.
Đối với các Hạt Giao thông, việc cổ phần hóa là cần thiết nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất nghèo nàn. Nhiều trụ sở hạt được xây dựng khá lâu, nhà cửa xuống cấp. Các Hạt Giao thông Nam Sách, Bình Giang còn không có trụ sở làm việc, phải "ở nhờ" Phòng Kinh tế hạ tầng huyện. Trang thiết bị, phương tiện để phục vụ hoạt động của hầu hết các Hạt Giao thông rất lạc hậu. Ngoài các Hạt Giao thông TP Hải Dương, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Gia Lộc có xe lu, ô tô, xe tưới nước, xe hút bụi, nồi nấu nhựa, các hạt còn lại chỉ có cuốc xẻng, chổi rễ và vài chiếc máy cắt cỏ cũ kỹ.
Để cổ phần hóa thành công Hạt Giao thông các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án cổ phần hóa cụ thể. Các đơn vị liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh có chế độ chính sách phù hợp với pháp luật đối với những lao động dôi dư sau cổ phần hóa. Hạt Giao thông các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh sẽ có 2 năm chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. Từ năm 2021, các đơn vị phải hoàn thành cổ phần hóa, Nhà nước thoái toàn bộ vốn hoặc nắm giữ nhiều nhất 30% cổ phần để doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu thầu dịch vụ theo kế hoạch của tỉnh.
SỸ THẮNG