Sản xuất thử giống cây trồng chui

Kinh tế - Ngày đăng : 12:26, 04/11/2018

Sản xuất thử (còn gọi là khảo nghiệm sản xuất) là khâu quan trọng nhưng nếu hoạt động này không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất thử giống cây trồng phải được kiểm soát chặt chẽ mới có thể hạn chế được rủi ro, thiệt hại khi sản xuất đại trà

Mạnh ai nấy làm

Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn chủ động tìm chọn giống cây trồng mới phù hợp, thay thế các giống cũ đã thoái hóa trong bộ giống chủ lực của tỉnh. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng được với những tác động của biến đổi khí hậu và của quá trình công nghiệp hóa. Do đó, mỗi vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đưa vào sản xuất thử (SXT) từ 10-15 giống lúa mới, 2-4 giống rau màu. Quy mô sản xuất sẽ tăng dần theo từng vụ. Sau từ 3-5 vụ, nếu kết quả khả quan, giống SXT sẽ chính thức được đưa vào cơ cấu giống để sản xuất đại trà. Việc đánh giá, lựa chọn giống chính thức từ các giống SXT vô cùng kỹ lưỡng, gắt gao bởi nếu chủ quan, sơ suất sẽ dẫn tới nguy cơ mất mùa vì giống mới.

Theo quy định, các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia SXT giống cây trồng song phải thực hiện đúng quy trình. Đó là phải báo cáo đơn vị quản lý về địa điểm, quy mô, thời gian trước khi tiến hành SXT và kết quả sau khi đánh giá. Từ đó, cơ quan chuyên môn sẽ có định hướng cụ thể cho giống mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, SXT các giống mới diễn ra không theo quy định, gây khó khăn trong quản lý số lượng và chất lượng giống trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nên luôn lọt vào tầm ngắm của các đơn vị cung ứng giống cây trồng. Đây là cơ hội để nông dân trong tỉnh có thể tiếp cận được các giống mới với nhiều ưu điểm nổi trội. Thế nhưng đây cũng là bất lợi bởi có quá nhiều giống cạnh tranh, người dân sẽ sử dụng giống ngoài cơ cấu, khả năng phá vỡ cơ cấu giống là rất lớn. Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống chọn cách đi tắt, tự ý liên kết với địa phương để SXT giống mới chứ không thông qua cơ quan chức năng nên sở khó nắm bắt, theo dõi. Vì vậy, nếu xảy ra mất mùa hoặc chất lượng sản phẩm thấp mà nguyên nhân do giống không bảo đảm thì sở cũng không thể can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Hiện bộ giống cây trồng của tỉnh có từ 20-25 giống lúa và từ 25-30 giống rau màu. Tùy theo từng vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân sử dụng giống phù hợp. Song thực tế sản xuất, nông dân gieo trồng nhiều loại giống không có trong cơ cấu. Một số giống mới SXT cũng chưa được đơn vị chuyên môn chấp thuận. Nếu tình trạng mạnh ai nấy làm trong SXT kéo dài, không đồng bộ trong quản lý có thể sẽ gây hậu quả lớn.

Không buông lỏng quản lý

SXT góp phần giúp cơ quan chuyên môn lựa chọn giống tốt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Thế nhưng với kiểu thực hiện chui như hiện nay thì mục đích của SXT chủ yếu để doanh nghiệp giới thiệu và bán giống. Nếu SXT thuận lợi, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi, nhưng khi có sự cố xảy ra chỉ người nông dân phải chịu thiệt. Bà Đỗ Thị Gấm ở xã Ninh Hòa (Ninh Giang) cho biết: “Tôi đã từng tham gia nhiều mô hình SXT giống lúa mới. Được doanh nghiệp hỗ trợ giống, tiết kiệm một khoản chi phí nên người dân rất hào hứng. Song khi kết quả không được như mong muốn, chúng tôi không biết cầu cứu ở đâu vì doanh nghiệp thường viện nhiều lý do để thoái thác trách nhiệm”.

Theo ông Phạm Văn Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết (Thanh Miện), thời gian qua có nhiều công ty giống đặt vấn đề muốn liên kết với HTX để SXT nhiều loại giống mới. Nhận thấy đây là dịp để so sánh chất lượng giữa các giống nên HTX chấp thuận. Để đề phòng rủi ro, HTX chỉ đồng ý sản xuất với quy mô nhỏ, chỉ nhân rộng khi thấy hiệu quả. Qua thực tế, đã có một số giống lúa như DQ11, Nàng xuân... không phù hợp với đồng đất của địa phương. Đây là minh chứng cho lợi ích của việc SXT, giúp loại bỏ giống kém và giữ lại giống tốt. Song nếu không có ràng buộc cụ thể, rõ ràng với đơn vị SXT thì khó tránh khỏi mâu thuẫn về quyền lợi. Vì vậy, việc thắt chặt quản lý SXT giống cây trồng mới là rất cần thiết.

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng cho các đơn vị SXT giống mới thì việc SXT phải được tiến hành theo đúng quy trình. Trong đó, cơ quan chuyên môn làm đúng trách nhiệm và quyền hạn, không buông lỏng quản lý để các địa phương thực hiện SXT tự phát. Người dân và chính quyền địa phương cũng phải tuân thủ đúng quy định, không vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng tới mục tiêu sản xuất lâu dài. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới hạn chế được những thiệt hại, rủi ro không đáng có.

DŨNG CƯỜNG