Kê khai tài sản không trung thực
Chính trị - Ngày đăng : 08:14, 06/11/2018
Một điểm mới của dự thảo luật trình Quốc hội so với Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành là đã bổ sung, cụ thể hóa các đối tượng, hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập (KKTSTN) không trung thực.
Điều 51 dự thảo luật nêu: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà KKTSTN không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà KKTSTN không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Người đã được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà KKTSTN không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật…”.
Việc bổ sung, cụ thể hóa các đối tượng, hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi KKTSTN không trung thực là rất cần thiết. Tuy nhiên, giữa quy định pháp luật và thực tiễn đang có một khoảng cách rất xa.
Thời gian qua, việc tổ chức KKTSTN ở nhiều nơi còn hình thức, đối phó. Không ít trường hợp KKTSTN không trung thực nhưng chưa được phát hiện. Nhìn chung các cơ quan chức năng chưa tích cực kiểm tra, giám sát xem việc KKTSTN có trung thực hay chưa. Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người giữ chức vụ cao vẫn được cho là lĩnh vực “nhạy cảm”. Khâu phát hiện những trường hợp KKTSTN không trung thực gặp nhiều khó khăn còn do sự giấu giếm, bưng bít thông tin của người kê khai, nhất là đối với những tài sản, thu nhập không chính đáng, không rõ nguồn gốc.
Vì khâu phát hiện KKTSTN không trung thực chưa được chú trọng và gặp nhiều khó khăn nên công tác xử lý còn ít và chưa hiệu quả. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng của Chính phủ (2006-2016), các cơ quan chức năng trong cả nước mới chỉ xác minh gần 4.900 trường hợp, qua đó phát hiện, xử lý 17 người KKTSTN không trung thực. Một con số quá ít trong khi thực tế tình hình tham nhũng hiện nay được coi là “quốc nạn” nhức nhối, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Rõ ràng là các cơ quan chức năng có đầy đủ công cụ luật pháp trong tay nhưng thực tế thì hầu như công cụ này ít được sử dụng để phát hiện, xử lý những trường hợp KKTSTN không trung thực.
Làm tốt việc phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp KKTSTN không trung thực chính là một biện pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng.
NINH TUÂN