Xử lý môi khô khi giao mùa bạn phải biết
Làm đẹp - Ngày đăng : 09:01, 06/11/2018
Thời tiết chuyển dần sang hanh khô khiến đôi môi bạn dễ trở nên nứt nẻ, bong tróc và thiếu sức sống. Chăm sóc da môi đúng cách sẽ giúp bạn lấy lại bờ môi căng mọng, mịn màng bất chấp tiết trời hanh khô.
Các vùng da trên cơ thể đều có cấu trúc khác nhau, da môi khác với da mặt ở chỗ môi không có tuyến nhờn, không có những lớp mô che bảo vệ, ít sắc tố melanin nên khả năng ngăn chặn các tia tử ngoại của mặt trời và từ môi trường rất yếu. Vì vậy da môi mất độ ẩm nhanh hơn những phần da khác.
Môi lại hoạt động thường xuyên, co giãn, cười, nói, làm duyên… thế nên quá trình lão hóa ở môi diễn ra nhanh chóng. Khi cơ thể thiếu nước hoặc do môi trường bụi bẩn, ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào, đặc biệt là vào mùa không khí hanh khô, độ ẩm thấp làm mất đi độ ẩm của da, làm cho môi dễ bị khô nứt.
Dưới đây là những bước hiệu quả nhất có thể trị đôi môi khô và nứt nẻ của bạn:
- Bước 1: Hạn chế để môi bị tiếp xúc quá nhiều với không khí bên ngoài. Thường xuyên sử dụng son dưỡng môi, đặc biệt khi thời tiết khô và lạnh. Hãy luôn nhớ đem theo son dưỡng môi bên mình và dùng son nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ giúp giữ ẩm cho đôi môi bạn và cũng là cách phòng ngừa môi khô và nứt nẻ hiệu quả. Nếu môi bạn đã bị khô và nứt nẻ thì hãy chuyển sang sử dụng son dưỡng ẩm.
- Bước 2: Tránh để môi bị phơi ra ngoài nắng, gió và thời tiết lạnh. Nên dùng khăn quàng để che môi lại khi ra đường vào mùa đông. Mùa hè thì bạn hãy sử dụng son dưỡng môi có chứa thành phần chống nắng.
- Bước 3: Luôn cố gắng thở bằng mũi và hạn chế tối đa thở bằng miệng. Khi bạn phải thở bằng miệng, bạn đã trực tiếp “phơi” môi mình ra gió và không khí, dẫn đến việc đôi môi bạn sẽ càng bị khô.
- Bước 4: Luôn nhớ uống nhiều nước hàng ngày để dưỡng ẩm cho làn da và đôi môi. Nếu có thể, bạn hãy dùng máy tạo ẩm trong phòng ngủ hoặc nơi bạn dành nhiều thời gian nhất trong nhà.
- Bước 5: Tránh liếm và cắn môi. Nhiều người nghĩ rằng liếm môi sẽ làm cho môi ẩm hơn, nhưng thực chất, nước bọt sẽ nhanh chóng bay hơi, kéo theo cả độ ẩm vốn có của môi, và sẽ làm cho môi bạn càng khô hơn.
- Bước 6: Nếu đã áp dụng những cách trên trong vòng 2-3 ngày mà môi bạn vẫn không đỡ khô và nứt nẻ, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để tìm hiểu nguyên nhân gốc gây ra tình trạng môi khô và nứt nẻ dài hạn.
Theo Phunusuckhoe.vn