Ngăn chặn vấn nạn rượu bia
Chính trị - Ngày đăng : 07:52, 07/11/2018
Nhưng cách uống rượu bia thì xưa - nay có khác. Nếu như xưa uống chỉ để vui, có ý nghĩa tương sinh hài hòa thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” thì ngày nay bia rượu đã bị không ít người lạm dụng, làm mất đi phong vị hay ấy.
Người ta uống từ Bắc đến Nam, nhậu từ sáng đến đêm, từ già đến trẻ, cố nài, cố ép uống đến say xỉn. Rượu bia là phương tiện giao tiếp, nhưng cũng là sản phẩm có chứa cồn, là chất gây nghiện, nếu lạm dụng sẽ mang lại nhiều hệ lụy về sức khỏe và xã hội. Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế thì bia rượu thuộc nhóm chất gây ung thư, có tác động tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Ở nước ta, rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố gây nguy hại sức khỏe hàng đầu. So với hút thuốc lá, tác hại của rượu bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, cụ thể nó là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 bệnh nằm trong danh mục phân loại của quốc tế.
Một cuộc nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam cho thấy trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) nhập viện tại 6 bệnh viện thuộc 6 tỉnh thì có tới 28% số người đi xe máy và 63,4% số người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp hay liên quan gián tiếp đến cái chết của trên dưới mười nghìn người bị TNGT mỗi năm và hàng trăm nghìn người tử vong do ung thư, viêm gan, bạo lực, tâm thần… Cho nên người ta nói “Rượu bia là kẻ giết người giấu mặt”.
Nhận rõ tác hại của bia rượu, từ lâu, Quốc hội, Chính phủ đã có những văn bản, chỉ đạo nhằm hạn chế tình trạng sản xuất, trong đó có rượu giả, rượu lậu, cấm và xử lý việc mua bán, uống rượu ở những vị trí nhạy cảm, nơi công sở làm việc, trước khi lái xe… Tuy nhiên, việc thực hiện những văn bản, quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình là vụ tai nạn kinh hoàng gần đây do bà Nguyễn Thị Nga say xỉn khi lái ô tô ở TP Hồ Chí Minh, làm 1 người chết và 6 người bị thương. Trên địa bàn tỉnh ta, qua kiểm tra của cảnh sát giao thông cũng thường xuyên phát hiện, xử phạt những người lái xe máy, ô tô uống rượu bia có nồng độ cồn quá mức cho phép. Và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết...
Thực tế chứng minh rượu bia đã trở thành vấn nạn, gây ra nhiều tổn hại về người và của, sức khỏe, nòi giống, hạnh phúc gia đình, là nguồn gốc của nhiều tệ nạn... Để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của rượu bia trong đời sống và có biện pháp phòng chống, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Y tế trình bày dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với quy định các biện pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Dự luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV này. Cử tri hy vọng rằng khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia được thông qua sẽ góp phần tích cực ngăn chặn vấn nạn rượu bia ngày càng nghiêm trọng hiện nay.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)