Đánh giá cán bộ cuối năm sao cho sát thực tế?

Chính trị - Ngày đăng : 09:02, 07/11/2018

Làm thế nào để đánh giá chuẩn xác năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức vẫn là yêu cầu khó đặt ra nhiều năm qua.


Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc ở Sở Giao thông vận tải được tính điểm cụ thể để đánh giá, phân loại cán bộ

Thông qua công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hằng tháng, cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị đã kịp thời xử lý cán bộ yếu kém. Tuy nhiên, làm thế nào để đánh giá chuẩn xác năng lực, trách nhiệm của CBCCVC vẫn là yêu cầu khó đặt ra nhiều năm qua.

Vẫn sót người yếu kém

Là địa phương thực hiện việc đánh giá CBCCVC hằng năm khá nghiêm túc với sự rà soát kỹ lưỡng của Thường trực Huyện ủy đối với từng đơn vị, trong 3 năm qua, Kinh Môn đã phân loại tới 14 CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ; 476 CBCCVC hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Báo cáo công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2015-2017 của huyện đánh giá "Vẫn còn những trường hợp CBCCVC năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công việc đặt ra". Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, việc đánh giá CBCCVC hằng năm ở Kinh Môn vẫn chưa tuyệt đối chính xác vì khó định lượng và chưa có bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng lượng hóa cụ thể công việc.

Ở cấp huyện, việc đánh giá này đang được thực hiện theo nghị định số 56 của Chính phủ về đánh giá và phân loại CBCCVC. Căn cứ nghị định, UBND cấp huyện ban hành kế hoạch, hằng năm triển khai tới các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, các xã, thị trấn. Theo một Chánh Văn phòng Huyện ủy, việc đánh giá hiện nay vẫn khó đạt đến mức chuẩn xác về năng lực, trình độ, trách nhiệm CBCCVC vì rất nhiều vị trí như các vị trí lãnh đạo, chỉ đạo thì do đặc thù công việc không thể tính, đếm. Một số vị trí khác như làm biên tập, văn thư ở Văn phòng Huyện ủy thì chỉ có thể đánh giá qua việc hoàn thành nhiệm vụ được giao; khó đánh giá hết khả năng vì ít có nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi sáng tạo...

Bên cạnh đó, do bị chi phối bởi các quy định, hướng dẫn đánh giá, phân loại CBCCVC của cấp trên nên nhiều cơ quan, địa phương khó xây dựng các quy định tạm thời, quy chế riêng về đánh giá, phân loại. Chưa kể đây đó vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh hoặc thờ ơ, chưa kịp thời nắm bắt thông tin dẫn đến việc đánh giá, góp ý, phân loại CBCCVC cũng chưa chuẩn xác.

"Một bộ phận cán bộ, công chức còn máy móc trong thực thi công vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao" - đây là một trong số nhiều nguyên nhân gây hạn chế đã được báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nêu ra. Đã có những CBCCVC có khuyết điểm, vi phạm nhiều năm nhưng vẫn luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điển hình như vụ việc ông Đinh Xuân Quyện vừa bị cách chức Giám đốc Thư viện tỉnh do chỉ đạo để một số tiền ngoài sổ sách; sinh con thứ ba nhưng không trung thực, khai nhận con đẻ là con nuôi. Hay ông Nguyễn Trọng Điều bị miễn nhiệm chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh do sử dụng bằng đại học không hợp pháp...         


Ở nhiều sở, ngành, địa phương, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được căn cứ từ hiệu quả công việc và bình xét công khai, công bằng. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Nam Sách kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại UBND xã Quốc Tuấn

Căn cứ từ kết quả công việc

Khắc phục những hạn chế trong công tác đánh giá, phân loại CBCCVC, một số cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ nét. Sở Giao thông vận tải có cách làm mới trong đánh giá, phân loại CBCCVC bằng cách cụ thể hóa các biểu mẫu đánh giá, chấm điểm, nhận xét, xây dựng các tiêu chí để định lượng đánh giá. Ông Trịnh Hoài Nam, Chánh Văn phòng sở cho biết, tiêu chuẩn đánh giá CBCCVC theo căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại công văn đi, đến hằng ngày; nhiệm vụ được giao tại kết luận giao ban hằng tháng của Giám đốc sở, các nhiệm vụ được giao trực tiếp và ý thức chấp hành kỷ cương, giờ giấc làm việc. Văn phòng sở thống kê, theo dõi kết quả qua phần mềm quản lý hồ sơ giải quyết công việc hằng tuần; tổng hợp báo cáo Giám đốc sở trước kỳ họp giao ban hằng tháng. Sau khi CBCCVC tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo phòng, đơn vị nhận xét và báo cáo lãnh đạo sở hằng tháng. Kết quả đánh giá, phân loại hằng tháng là cơ sở để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ CBCCVC cuối năm.

Từ năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quy định (tạm thời) về việc chấm điểm và bình xét thi đua đối với tập thể, cá nhân thuộc cơ quan. Thang điểm 100 được cộng theo từng nội dung cụ thể, gồm: chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước (5 điểm); kết quả công tác (40 điểm); chấp hành kỷ luật, nội quy, quy chế cơ quan (15 điểm); tinh thần học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn (5 điểm); thái độ làm việc lịch sự, văn minh (5 điểm)... Bên cạnh đó còn có những điểm cộng thêm. Tổng điểm của từng cá nhân sẽ được dùng để phân loại hằng tháng, từ đó tổng hợp, bình xét thi đua cuối năm. Các sở trên đều liên tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định hằng năm nhằm khắc phục những hạn chế mới bộc lộ.

Từ việc áp dụng quy chế đánh giá sát với thực tế ở các đơn vị đã phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBCCVC trong thực thi công việc được giao. 3 năm liên tục (2015-2017), Sở Giao thông vận tải đứng đầu tỉnh về chỉ số cải cách hành chính.

Qua thực tiễn triển khai của các đơn vị, để công tác đánh giá CBCCVC trúng, đúng với thực chất cần sớm cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn về đánh giá, phân loại CBCCVC theo hướng gắn với kết quả thực thi nhiệm vụ, rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên của CBCCVC. 

Trong quá trình đánh giá, phân loại CBCCVC cần tiếp tục mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan. Đặc biệt, cần coi trọng việc lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong đánh giá CBCCVC.

HÙNG MINH