Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Thúc đẩy đổi mới giáo dục toàn diện
Chính trị - Ngày đăng : 16:30, 08/11/2018
Với nhiều điểm mới, Luật Giáo dục (sửa đổi) hy vọng sẽ góp phần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo
Luật Giáo dục cũ đã bộc lộ một số hạn chế cản trở quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi). Dự luật này có nhiều điểm mới mang tính đột phá, hy vọng sẽ thúc đẩy nền giáo dục phát triển.
Nhiều điểm mới đột phá
Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều. Dự luật khẳng định, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; hệ thống phải được vận hành linh hoạt, liên thông theo cả 2 hướng: liên thông dọc (giữa các cấp học và trình độ đào tạo) và liên thông ngang (giữa các hình thức học/đào tạo). Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng… Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ luật hóa việc mọi người đều có cơ hội được học tập suốt đời, thúc đẩy người lớn học tập.
Điểm mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm về nâng chuẩn trình độ giáo viên và miễn học phí. Theo đó, giáo viên bậc học mầm non phải có trình độ cao đẳng sư phạm; giáo viên bậc tiểu học và THCS phải có trình độ đại học trở lên thay vì trình độ trung cấp, cao đẳng; giảng viên đại học bắt buộc phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Dự luật cũng quy định sẽ không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Đồng thời quy định bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm. Các sinh viên khi học tại các trường sư phạm sẽ được vay khoản tín dụng để nộp học phí và trang trải sinh hoạt. Khi ra trường, sinh viên làm đúng nghề sư phạm trong khoảng thời gian theo quy định sẽ được xóa khoản vay. Ngoài ra, sinh viên học sư phạm vẫn được miễn học phí nhưng với hình thức khác; các trường sư phạm sẽ có nguồn thu để chủ động trang trải các chi phí. Ngoài ra, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn có nhiều điểm mới như sẽ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục; công nhận văn bằng, chứng chỉ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp…
Cần bàn thảo kỹ
Tuy nhiên, dự luật này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần lấy ý kiến của đông đảo cử tri và các chuyên gia. Như việc nên hay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có các luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong tuyển sinh. Cũng có ý kiến đề xuất chỉ cần xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu và tính chất của cấp học này, góp phần giảm áp lực và tốn kém do thi cử. Chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề này, chị Trần Thị Hằng ở phố Trần Thánh Tông (TP Hải Dương) cho biết: "Theo tôi, nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bởi học sinh đi học cần phải được đánh giá quá trình học tập và là căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng khắc phục những bất cập trong việc tổ chức thi, nhất là trong chấm điểm. Hơn nữa, cũng cần có phương án ổn định, không nên thay đổi nhiều, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh".
Chị Hoàng Thúy Nga, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non (Trường Cao đẳng Hải Dương) cho biết phương án xóa khoản vay tín dụng cho sinh viên làm đúng nghề sư phạm trong khoảng thời gian theo quy định khó khả thi. "Các cơ quan soạn thảo luật cũng cần tính đến việc nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường dù mong mỏi nhưng không xin được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo, do đó sẽ bị thiệt thòi trong việc hưởng ưu đãi trả nợ tín dụng", chị Nga cho biết.
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, dự luật quy định mỗi môn học có một hoặc nhiều bộ sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Nếu thực hiện như vậy sẽ không có sự thống nhất trong cả nước, khó bảo đảm tính tổng thể và toàn diện.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã nêu rõ, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Nhưng dự luật lần này vẫn quy định chung chung về chế độ tiền lương đối với giáo viên, chưa thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết 29, chưa tạo được động lực cho người làm công tác giáo dục.
Luật Giáo dục (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn tới toàn xã hội. Nếu những điểm nghẽn trong dự luật được gỡ bỏ sẽ giúp hình thành hành lang pháp lý về giáo dục, thúc đẩy đổi mới, tạo một nền giáo dục phát triển.
PV