Thêm bệnh vì lây nhiễm chéo

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:01, 09/11/2018

Lâu nay, không ít trường hợp đến điều trị tại các cơ sở y tế có thêm mối lo lắng vì nguy cơ lây chéo.


Mỗi trẻ nhập viện đều kèm thêm 1-2 người lớn vào chăm sóc khiến cho các khoa, phòng càng thêm đông đúc, chật chội

 Việc mắc thêm các loại bệnh khác sẽ khiến cho thời gian điều trị kéo dài, tăng nhiều khoản chi phí.

Đến viện, thêm bệnh 

Vợ chồng anh Vũ Hồng Sơn (22 tuổi) ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) có con 6 tháng tuổi. Khi thời tiết bắt đầu có những dấu hiệu chuyển mùa cũng là lúc cháu Vũ Hồng Phong, con của anh Sơn thở khò khè, ho, thường xuyên quấy khóc. Vợ chồng anh đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện để khám thì cháu Phong được kết luận bị viêm phổi và chuyển vào điều trị nội trú tại Khoa Hồi sức cấp cứu-Nhi. Điều trị được khoảng 2-3 ngày, cháu có thêm những dấu hiệu của bệnh tiêu chảy. Nhận định được đưa ra là trong quá trình điều trị, có thể cháu Phong đã bị lây bệnh từ những bệnh nhi khác. Cũng do mắc thêm bệnh tiêu chảy nên quá trình điều trị của cháu Phong kéo dài hơn 1 tuần. 

Chị Nguyễn Thị Hà (26 tuổi) ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) có con 9 tháng tuổi. Con của chị Hà có những triệu chứng bị viêm phổi nên chị đưa con đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chữa bệnh. Sau quá trình điều trị tại đây, khi trở về nhà cũng là lúc cháu Nguyễn Quang Hải con của chị bị nổi những nốt mụn đỏ trên cơ thể. Chị đưa con trở lại Bệnh viện Bạch Mai và được kết luận bị sởi, sau đó chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Kết thúc quá trình điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cả hai mẹ con chị đều bị thủy đậu. Lúc này, chị đưa con về điều trị ngoại trú tại Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh. Hằng ngày, chị đưa con đến trung tâm khám và lấy thuốc chứ không ở lại. Từ lúc con của chị Hà được phát hiện viêm phổi đến khi sức khỏe cơ bản ổn định cũng mất ngót nghét hơn 1 tháng. 

Trong thời điểm bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp, khi con của mình bị bệnh tay-chân-miệng và phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (28 tuổi) ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) không khỏi lo lắng. Vì đây là thời điểm giao mùa, chị lo con mắc một số loại bệnh dễ lây khác như cúm A, thủy đậu, sởi từ những bệnh nhi cùng điều trị.


 Khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Hải Dương

Chủ động phòng ngừa

Việc mắc thêm bệnh khác trong quá trình điều trị sẽ khiến cho thời gian điều trị của người bệnh kéo dài, thậm chí là dai dẳng. Theo nhận định của một số y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, việc phòng chống lây chéo trong bệnh viện không đơn thuần chỉ là các biện pháp được đưa ra và thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện, trung tâm y tế mà rất cần đến sự phối hợp, ý thức chấp hành của bệnh nhân và người nhà. Chị Phạm Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính-Điều dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện) cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân đến đăng ký khám, nhân viên y tế đã sàng lọc bệnh tại chỗ. Sau đó tùy vào mức độ có thể cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc đưa bệnh nhân vào điều trị tại các khoa phù hợp. Khoa Truyền nhiễm, Khoa Hồi sức cấp cứu-Nhi vẫn là khu vực có nguy cơ lây chéo ở mức độ cao. Do cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nên các phòng bệnh không có nơi vệ sinh riêng mà các khoa, phòng chung khu vệ sinh theo từng dãy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây lan virus gây bệnh khi có dịch, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, tay-chân-miệng.

Các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây chéo thường xuyên được các bệnh viện, trung tâm y tế tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà, trong các cuộc họp hội đồng người bệnh. Thế nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận người bệnh và người nhà chưa cao. Một số phụ huynh khi có con mắc bệnh truyền nhiễm vẫn đưa con đi ra ngoài chơi mà không hề có các biện pháp cách ly để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Một trẻ bị bệnh thường có từ 2 người lớn đi theo trông nom, chăm sóc. Số người túc trực tại bệnh viện tăng khiến cho các khoa, phòng thêm đông đúc, chật chội. Một số bệnh nhân và người nhà khi đến điều trị tại các cơ sở y tế không tuân thủ quy định, nội quy. Vẫn có tình trạng khi các y, bác sĩ làm một số thủ thuật yêu cầu người nhà ra ngoài nhưng chỉ ngay khi thủ thuật kết thúc, người nhà đã lập tức quay trở lại buồng bệnh. Khi có biểu hiện nhiễm bệnh, không nên đưa bệnh nhân đến ngay các bệnh viện tuyến trên mà nên đưa đến các cơ sở y tế tại địa phương để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Tránh tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ nhưng đưa lên tuyến trên vì sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo ở những nơi tập trung đông bệnh nhân.

HOÀNG QUÂN