22,5% số học sinh lớp 8-12 đã say rượu ít nhất một lần
Chính trị - Ngày đăng : 11:02, 09/11/2018
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, rượu bia đang gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội vô cùng to lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của người Việt Nam. Nước ta đang thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng.
Mức độ uống say gia tăng cả nam và nữ
Trình bày trước Quốc hội sáng 9.11, Bộ Y tế cho biết năm 2010 có 70% nam và 6% nữ trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày. Đến năm 2015 tỉ lệ này tăng tương ứng là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ.
Tỉ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
Tình trạng uống rượu, bia phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỉ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc chiếm khoảng 74,3% tổng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta. Vẫn còn tình trạng người dân dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu.
Trong khi đó, khoa học quốc tế chỉ ra rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 bệnh như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…, là một trong 4 nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá.
Năm 2017 người Việt uống bia hết 4 tỉ USD
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam vì sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia.
So với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỉ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017).
Năm 2017, người dân Việt Nam chi phí cho tiêu thụ bia là gần 4 tỉ USD.
Luật hóa quy định cán bộ, công chức không được uống rượu bia
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam.
Dự luật tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia.
Dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia kiểm soát quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...
Đáng chú ý, trong các chương quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, có các đối tượng bị chế tài, các trường hợp không được sử dụng rượu, bia, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
Uống rượu, bia cũng bị cấm tại một số địa điểm .
Uống ít hay nhiều vẫn gây ra tác hại
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết quá trình xây dựng luật vẫn còn nhiều có ý kiến khác nhau.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo dù rượu hay bia thì đều chứa cồn là chất gây tác động đến sức khỏe nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn các sản phẩm khác. Sử dụng rượu, bia dù ở mức độ nào cũng có thể gây ra tác hại, không chỉ lạm dụng mới gây tác hại.
Ví dụ uống bia vẫn có thể gây tai nạn giao thông, mất khả năng điều khiển hành vi dẫn đến bạo lực, tội phạm. Trẻ em sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe... Quan điểm của Chính phủ là xây dựng luật theo hướng này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia lại có quan điểm rằng chỉ khi lạm dụng mới gây ra tác hại và cần phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
"Quan điểm này sẽ không bảo đảm tính phòng ngừa và không đạt được các mục tiêu chính sách đã được Quốc hội phê duyệt là cần phòng chống tác hại của rượu bia ngay từ khi con người tiếp cận loại sản phẩm này, với mục tiêu cảnh báo, phòng ngừa, không chỉ đến khi lạm dụng rượu, bia rồi mới phòng chống tác hại vì hậu quả đã xảy ra, sẽ khó khắc phục hơn", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
"Mặt khác, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu, bia do tùy thuộc vào tuổi, giới tính, đặc điểm sinh học cá nhân, mức độ, cách uống, số lượng uống…"
Theo Tuổi trẻ