Khó tìm chỗ xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 12:02, 10/11/2018
Xây dựng các nhà máy xử lý rác thải góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn
Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) là nhu cầu cấp thiết, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) khu vực nông thôn. Nhưng việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu vị trí phù hợp
Tại huyện Tứ Kỳ, việc xây dựng 1 nhà máy xử lý RTSH trở nên cấp thiết trong bối cảnh áp lực xử lý RTSH ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Thành Chung, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tứ Kỳ cho biết toàn huyện hiện có 83 bãi chôn lấp RTSH tập trung, trong đó 3 bãi đã đầy, phải đóng cửa. Theo tính toán, để xây được 1 bãi chôn lấp RTSH theo quy chuẩn phải cần từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Với tốc độ gia tăng lượng rác lớn như hiện nay, chỉ sau 6 - 8 năm bãi rác sẽ phải đóng cửa. Như vậy, mỗi năm ngân sách nhà nước mất từ 200 - 300 triệu đồng cho 1 bãi chôn lấp rác thải tập trung. Đây là sự lãng phí lớn trong khi tình trạng ONMT vẫn không được giải quyết triệt để. Theo ông Chung, xây dựng 1nhà máy xử lý RTSH là thực sự cần thiết nhưng việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy lại không hề đơn giản. Đầu tháng 9.2018, dự án xây dựng nhà máy xử lý RTSH tại xã Đông Kỳ đã phải dừng lại sau khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển. Việc dừng dự án xuất phát từ những kiến nghị của người dân về sự bất hợp lý khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy gần khu dân cư, trường học và nguồn nước sạch, có nguy cơ ONMT, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ gần như không tìm ra được vị trí nào phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Vì vậy, xử lý RTSH tiếp tục là áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường của địa phương”, ông Chung cho biết thêm.
Huyện Kinh Môn hiện cũng trong tình trạng tương tự, áp lực từ ONMT trong xử lý RTSH của huyện là rất lớn. Hiện rác thải mới được chôn lấp tại bãi nên chưa giải quyết triệt để tình trạng ONMT. Giải pháp căn cơ, lâu dài vẫn là xây dựng 1nhà máy xử lý tập trung. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này nhưng huyện vẫn chưa chọn được vị trí phù hợp. Có một thời gian, vị trí xây dựng nhà máy dự kiến đặt tại khu mỏ cũ thuộc địa bàn thị trấn Minh Tân nhưng do nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới nên không khả thi. Huyện tiếp tục đề xuất vị trí tại bãi sông của xã Phúc Thành nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận do nằm ngoài đê, không được phép nghiên cứu, xây dựng, không phù hợp quy hoạch chất thải rắn và quy hoạch sử dụng đất của huyện Kinh Môn. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn thừa nhận: “Xây dựng một nhà máy xử lý RTSH là yêu cầu bắt buộc để giải quyết tình trạng ONMT, đáp ứng tiêu chí của đô thị loại IV nhưng việc lựa chọn vị trí xây dựng là vấn đề rất nan giải của huyện”.
Nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ở các địa phương đã quá tải
Lựa chọn công nghệ xử lý rác hiện đại
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết thời gian qua, tình trạng ONMT phát sinh từ RTSH ngày càng tăng. Theo tính toán sơ bộ, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 1.000tấn/ngày đêm. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có 3 nhà máy xử lý RTSH với công suất khoảng 500 tấn/ngày đêm, đáp ứng khoảng 50% tổng lượng rác thải cần xử lý. Vì vậy, việc xây dựng thêm các nhà máy xử lý RTSH tập trung là một biện pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng ONMT phát sinh từ RTSH. Nhưng do đặc thù của các địa phương là khu dân cư thường nằm xen kẽ với ruộng canh tác nên rất khó tìm được vị trí xây dựng nhà máy xử lý RTSH phù hợp, đáp ứng tiêu chí về khoảng cách an toàn theo quy chuẩn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại của người dân về nguy cơ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước tại vị trí dự định xây dựng nhà máy xử lý RTSH là rào cản rất lớn trong triển khai xây dựng. Đặc biệt, do quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy xử lý RTSH hiện nay không đồng bộ, chưa bảo đảm môi trường dẫn tới tâm lý cảnh giác, e ngại, khó chấp nhận các dự án mới.
Để việc xây dựng các nhà máy xử lý RTSH nhận được sự đồng thuận của người dân, các địa phương cần xác định vị trí phù hợp, xin ý kiến nhân dân trước khi trình UBND tỉnh chấp thuận. Các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân cùng cộng đồng trách nhiệm với vấn đề cấp thiết hiện nay. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất theo hướng chỉ chấp nhận những dự án xử lý RTSH có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
VỊ THỦY