Những điều nên làm và không nên làm khi tiêm insulin
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:12, 10/11/2018
Ảnh minh họa. Nguồn: nationalcourier.pk
Bạn có thể sẽ phải sử dụng một loại insulin đơn thuần hoặc phối hợp nhiều loại insulin suốt cả ngày. Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lối sống, chế độ ăn và việc bạn kiểm soát đường huyết có tốt hay không. Dưới đây là những việc bạn nên và không nên làm khi sử dụng insulin.
Nên: Thay đổi vị trí tiêm insulin
Cố gắng không nên tiêm cùng một vị trí mỗi lần tiêm. Việc này sẽ dự phòng được tình trạng loạn dưỡng lipid. Trong tình trạng loạn dưỡng lipid, lớp mỡ ở dưới da có thể sẽ bị phá vỡ và sau đó tích tụ và hình thành các khối u cản trở quá trình hấp thu insulin.
Thay vào đó, hãy cố gắng thay đổi vị trí tiêm. Vị trí tiêm tốt nhất là tại bụng, phía trước hoặc phía bên cạnh đùi, phía trên mông và phía trên cánh tay. Mỗi vị trí tiêm nên cách vị trí cũ khoảng 5 cm. Cố gắng không tiêm gần rốn hoặc tiêm gần các vết sẹo, nốt ruồi.
Cố gắng đặt giờ tiêm cho từng vị trí. Ví dụ tiêm vào bụng trước bữa sáng, tiêm vào đùi trước bữa trưa và tiêm vào cánh tay trước bữa tối.
Nên: Làm sạch da trước khi tiêm
Làm sạch da bằng bông đã tẩm cồn trước khi tiêm. Đợi 20 giây để da bạn khô trước khi tiêm để tránh tình trạng nhiễm trùng. Bạn cũng nên rửa tay với xà phòng và nước ấm trước khi tiêm.
Nên: Kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên và ghi chép lại
Bạn cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Đường huyết có thể sẽ thay đổi phụ thuộc vào mức độ căng thẳng của bạn, tần suất luyện tập thể thao, tình trạng bệnh tật, chế độ ăn và thậm chí là sự thay đổi hormone của bạn suốt cả tháng. Nếu lượng đường huyết của bạn thay đổi quá lớn, điều đó có nghĩa cần phải điều chỉnh lượng insulin mà bạn tiêm.
Nên: Tính toán lượng carbohydrate trước khi tiêm insulin
Lượng insulin bạn cần tiêm sẽ phụ thuộc vào lượng carbohydrate bạn định ăn trong suốt bữa ăn. Theo thời gian, bạn sẽ dễ dàng tính toán được lượng carbohydrate ăn vào. Nếu không, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của một bác sĩ dinh dưỡng hoặc sử dụng các ứng dụng tính toán dành cho điện thoại di động.
Nên: Biết các dấu hiệu của tình trạng hạ đường huyết
Hạ đường huyết có thể xảy ra khi bạn dùng sai liều insulin, không ăn đủ carbohydrate sau khi tiêm insulin, luyện tập nhiều hơn bình thường hoặc bị căng thẳng.
Bạn nên biết về các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Hay ngáp;
- Không thể nói năng hoặc suy nghĩ rõ ràng;
- Mất khả năng phối hợp cơ;
- Vã mồ hôi;
- Da nhợt nhạt;
- Co giật;
- Mất ý thức.
Bạn cũng nên học cách kiểm soát tình trạng hạ đường huyết nếu nó xảy ra. Ví dụ, nên uống nước đường, ăn kẹo, uống nước trái cây… Bạn cũng nên thận trọng khi thực hiện các hoạt động thể thao quá mạnh vì chúng có thể sẽ làm hạ đường huyết của bạn trong vòng vài giờ sau khi luyện tập.
Không nên: Tiêm insulin quá sâu
Insulin nên được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da. Nếu bạn tiêm insulin quá sâu, tiêm vào lớp cơ, cơ thể bạn sẽ hấp thu insulin quá nhanh. Từ đó, tác dụng của insulin sẽ không được lâu và việc tiêm sẽ trở nên vô cùng đau đớn.
Không nên: Đợi hơn 15 phút mới ăn sau khi tiêm insulin
Insulin tác dụng nhanh được thiết kế để tiêm ngay sau khi ăn để giúp bạn kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả hơn. Insulin tác dụng nhanh sẽ có hiệu quả ngay lập tức. Nếu đợi quá lâu sau khi ăn, đường huyết của bạn có thể sẽ hạ xuống quá thấp và bạn sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Nếu bạn không thể ăn ngay sau khi tiêm, hãy mang theo bên mình một viên đường glucose, mận khô hoặc kẹo cứng để tránh bị hạ đường huyết.
Không nên: Hoảng loạn khi bạn tiêm nhầm liều insulin
Ban đầu, việc tính toán chính xác lượng insulin có thể sẽ vô cùng phức tạp, đặc biệt là nếu bạn không biết bạn sẽ ăn bao nhiêu carbohydrate trong bữa ăn tiếp theo.
Cố gắng đừng hoảng loạn nếu bạn nhận thấy bạn đã lỡ tiêm quá ít hoặc quá nhiều insulin.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiêm quá nhiều insulin, hãy ăn các loại carbohydrate hấp thu nhanh, ví dụ như nước trái cây hoặc thanh glucose. Nếu cần, bạn có thể gọi điện tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu dùng nhiều insulin hơn lượng bạn cần (ví dụ như gấp đôi hoặc gấp ba), bạn cần được người thân đưa đến bệnh viện theo dõi tình trạng hạ đường huyết.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã sử dụng quá ít insulin hoặc thậm chí hoàn toàn quên tiêm insulin trước bữa ăn, hãy đo lượng đường huyết của bạn. Nếu đường huyết lên quá cao, bạn sẽ cần phải tiêm một mũi insulin tác dụng nhanh để làm giảm lượng đường huyết của bạn. Nếu không chắc về liều insulin bạn đã sử dụng, hãy đến gặp bác sĩ.
Nếu mức đường huyết quá cao, kể cả sau khi tiêm insulin, hãy chờ đợi một chút. Tiêm quá sớm có thể sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Khi quyết định tiêm thêm một liều nữa, bạn có thể sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Do đó, bạn cần kiểm soát lượng đường huyết thường xuyên hơn trong vòng 24 giờ tiếp theo.
Không nên: Thay đổi liều insulin hoặc ngừng tiêm insulin nếu chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Thay đổi loại insulin mà bạn sử dụng hoặc thay đổi liều insulin mà không hỏi ý kiến của bác sĩ có thể sẽ khiến bạn gặp nguy cơ cao mắc phải các biến chứng và phản ứng phụ.
Nếu bị tiểu đường type 2, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ 3-4 tháng/lần. Ở mỗi lần khám, bác sĩ có thể đánh giá nhu cầu insulin của bạn và điều chỉnh liều phù hợp.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam