Thưởng thức "món quà của núi"

Kinh tế - Ngày đăng : 10:45, 11/11/2018

Từng mạch nước rỉ ra từ các khe đá trên núi cao, chảy về tới bản Klu (xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) rồi hình thành những hồ nước ấm nằm ngay sát bản làng, thu hút nhiều du khách.

Sản vật truyền thống của người Vân Kiều cũng được bày bán trong khu du lịch cộng đồng Klu để khách du lịch mua làm quà lưu niệm

Người Vân Kiều ở vùng này gọi đó là "món quà của núi". Để tạ ơn núi rừng đã ban tặng món quà kỳ diệu này, người trong bản cùng xắn tay bảo vệ, nâng niu nguồn suối quý.

Gần một năm nay, nguồn suối này được chính cộng đồng người Vân Kiều xây dựng thành một điểm đến du lịch cộng đồng thú vị mà độc đáo lạ thường. Điểm nhấn của Klu nằm ở chính con suối. Không như những con suối bình thường khác, suối Klu mang vẻ đẹp riêng. Đó là sự bảng lảng đến mờ ảo. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy ở sát mặt nước luôn có một lớp hơi mỏng tỏa lên.

Ngay giữa suối là hai hồ nước lớn. Đây được xem là hai "bể bơi" của con suối này. Hai hồ nước này cũng mang điều đặc biệt. Một hồ nước nóng khoảng 30 độ C. Hồ còn lại nước khoảng 50 độ C và hoàn toàn là nước suối tự nhiên được dẫn theo một đường ống nối từ trên lưng chừng núi dẫn về.

Lách qua tán cây rừng bên suối, một dãy nhà sàn bằng tranh tre nứa lá truyền thống của người Vân Kiều hiện ra. Đó thực sự là một không gian mới lạ với du khách khi đến đây. Du khách sẽ được sống trong không gian làng bản thật sự. Điều đặc biệt nữa đó chính là văn hóa ẩm thực của người bản địa. Khi mâm "đại tiệc" được bày ra ngay giữa sàn nhà, ta bắt gặp ngay những món ăn đặc trưng với cá suối phơi khô, đọt măng rừng luộc chấm muối và cả rượu cần nấu bằng men lá rừng... Đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ níu chân du khách đến tận khuya.

Già làng Hồ Văn Hưm, người đã gắn bó với con suối này từ khi còn là một đứa trẻ kể ông cũng không biết con suối này có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ thời trẻ đã được các già làng khác trong bản dắt đi ngược lên phía đỉnh núi để thử tìm nguồn gốc của nguồn nước nóng kỳ lạ kia. Nhưng càng đi ngược lên cao, độ nóng của suối càng tăng lên. Cũng có người quyết đi đến tận cùng nhưng cũng chỉ nhìn thấy những mạch nước rỉ ra từ khe đá, khói bốc nghi ngút.

Suối nước nóng Klu qua mấy năm đón khách du lịch vẫn giữ được nét hoang sơ của núi rừng

Càng ngày, lượng người dừng chân càng đông. Nhiều người còn muốn ngược lên phía đỉnh núi để trải nghiệm cảm giác nóng dần của con suối. Thanh niên trong bản được thuê dẫn đường. Phụ nữ được thuê chuẩn bị đồ ăn, nước uống đi đường. Người Vân Kiều ở bản Klu bắt đầu biết làm du lịch từ ngày đó.

Một khoảng trống lớn ngay bên suối được chọn, 16 ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều được dựng lên y nguyên "bản gốc" bằng tranh tre nứa lá. Những bản làng Vân Kiều khác quanh đó cùng đến chung tay xây dựng Klu thành một khu du lịch cộng đồng. Mỗi bản dựng lên một căn chòi lá đúng theo kiểu Vân Kiều để bán chính các sản vật của bản làng mình cho du khách.

Chỉ đơn giản thế thôi nhưng lại có sức hút đến không ngờ. Chỉ trong vài tháng đã có mấy nghìn lượt du khách đến với Klu. Tộc người Vân Kiều vốn sống lưng chừng núi, gần đây mới chuyển dần xuống các khu dân cư sát đường lớn. Chính vì thế, cộng đồng người Vân Kiều ở khu vực này có bề dày văn hóa hàng trăm năm. 

Nhưng theo già Hưm, người Vân Kiều làm du lịch như một người mới học việc, vì đây là lần đầu tiên, chỉ biết lấy tấm lòng chân thật ra để đối đãi với khách. Phải đến đầu năm 2018, khi có một số người làm du lịch chuyên nghiệp đến tư vấn, người Vân Kiều ở đây mới bắt đầu nghĩ đến những điều lớn lao hơn. "Mình là người Vân Kiều. Mình phải mượn con suối này làm cầu nối để mình giới thiệu văn hóa của người Vân Kiều đến với mọi người", già Hưm nói.

Ông Hồ Văn Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Đakrông cho biết Klu hiện nay không chỉ là một điểm đến du lịch thông thường mà chính là một điểm hẹn văn hóa. Những gì độc đáo nhất, tinh túy nhất, truyền thống nhất trong văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng của người Vân Kiều đều được quy tụ nơi đây.

QUỐC NAM