Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài 1: Giáo viên thiếu cả lượng và chất
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 06:29, 14/11/2018
Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh theo chương trình mới thì đội ngũ giáo viên không chỉ cần đủ về số lượng mà cần có chuyên môn tốt
Những năm qua, thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020” (gọi tắt là chương trình tiếng Anh mới), đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các bậc học của tỉnh được quan tâm tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Dạy vượt số tiết
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hết tháng 5.2018, toàn tỉnh có 9.423 lớp học ở cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục có 1.369 người, trung bình 0,14 giáo viên/lớp. Như vậy, mỗi giáo viên phải dạy 7 lớp, từ 25 - 30 tiết/tuần, vượt quá số tiết quy định.
Trường Tiểu học Lương Điền là một trong những trường có chất lượng dạy tiếng Anh tốt của huyện Cẩm Giàng. Hiện trường có 1.300 học sinh với 38 lớp. Trường thực hiện dạy làm quen với tiếng Anh cho học sinh khối 1, 2, còn khối 3, 4 và 5 được dạy theo chương trình tiếng Anh mới. Nhưng trường chỉ có 4 giáo viên dạy tiếng Anh, mỗi người phải đảm nhận hơn 30 tiết/tuần, chưa kể tới việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác. "Nếu không vì say nghề, yêu trẻ thì các giáo viên dạy tiếng Anh khó có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn đến vậy", cô Phạm Thị Lộc, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Chỉ tính riêng bậc tiểu học, huyện Cẩm Giàng mới có 46 giáo viên dạy tiếng Anh nên còn thiếu 12 giáo viên mới bảo đảm yêu cầu. Theo ông Nguyễn Bá Tơn, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện, do thiếu người nên giáo viên phải gánh số tiết giảng vượt so với quy định, ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.
Theo số liệu của Phòng GDĐT huyện Bình Giang, năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 480 lớp ở bậc tiểu học và THCS với 65 giáo viên tiếng Anh. Trong năm học này, huyện triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới tại tất cả các trường tiểu học và THCS thì cần thêm 18 giáo viên nữa.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên tiếng Anh bậc THCS và THPT cơ bản đủ về số lượng. Ở bậc tiểu học, môn tiếng Anh vẫn là môn tự chọn, chưa được giao biên chế, 77,7% số giáo viên là lao động hợp đồng ngắn hạn. Do thu nhập thấp, cộng với tính bấp bênh của công việc nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khả năng cống hiến của họ. Nhiều năm nay, bậc tiểu học đã có hàng chục giáo viên tiếng Anh bỏ nghề.
Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) tổ chức cho giáo viên nhà trường giao lưu chuyên môn với giáo viên bản ngữ
Chứng chỉ có thực chất?
So với thời gian đầu thực hiện đề án, chất lượng giáo viên tiếng Anh đã được nâng lên rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Theo Sở GDĐT, đến hết tháng 5.2018, có 79,4% số giáo viên bậc tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, tỷ lệ này ở THCS là 90,6% và THPT 62,7%. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số cán bộ quản lý giáo dục, tỷ lệ trên mới chỉ thể hiện qua văn bằng, chứng chỉ, còn trên thực tế giảng dạy thì nhiều giáo viên chưa phản ánh tương xứng với trình độ được công nhận và yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn gặp khó khăn về phương pháp giảng dạy do chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên bản ngữ, chuyên gia có trình độ cao.
Năm 2013 - 2014, huyện Gia Lộc triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới trong các trường. Toàn huyện có 73 giáo viên trong tổng số 88 giáo viên tiếng Anh đã có được bồi dưỡng và đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Nhưng thực tế, đội ngũ này vẫn còn nhiều hạn chế, bởi các giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau. Số giáo viên đào tạo chính quy từ các cơ sở có chất lượng chỉ chiếm tỷ lệ thấp, số còn lại đào tạo theo hình thức không chính quy, hoặc chuyển từ tiếng Nga sang.
Việc nâng cao chuẩn năng lực tiếng Anh của giáo viên được xem là cần thiết khi triển khai đề án. Không ít giáo viên đã tự đi thi lấy chứng chỉ ở ngoài tỉnh tại các cơ sở đánh giá được phép thi cấp chứng chỉ của Bộ GDĐT. Hơn 50% số giáo viên tiểu học thi lấy chứng chỉ ở ngoài tỉnh, THCS có hơn 10% số giáo viên, THPT có hơn 20%. Điều này dẫn tới việc khó kiểm soát được chất lượng. Một số giáo viên cho rằng chỉ cần có chứng chỉ đạt yêu cầu mà ít quan tâm tới việc tự học tập, nghiên cứu để nâng trình độ chuyên môn. "Chương trình tiếng Anh mới rất nặng, nếu năng lực của giáo viên không tương ứng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy. Nhiều giáo viên còn lúng túng, phương pháp giảng dạy thiếu linh hoạt khiến tiết học chưa hấp dẫn", ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên viên Phòng GDĐT huyện Bình Giang chia sẻ.
Việc thiếu giáo viên tiếng Anh cùng với trình độ chưa bảo đảm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng học của học sinh chưa cao. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, toàn tỉnh có hơn 73% số thí sinh thi môn tiếng Anh đạt dưới điểm 5.
HOA TRUNG