Việc công khai không thể nói suông
Chính trị - Ngày đăng : 08:14, 17/11/2018
Phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua internet liên quan đến 2 vị tướng công an đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong các chi tiết được nhiều báo đưa tin là khi được hỏi về việc sẽ công khai nội dung bản án trên cổng thông tin điện tử của ngành tòa án, bị cáo Phan Văn Vĩnh, một trong 92 bị cáo đã từ chối.
Vì sao ông Vĩnh lại từ chối? Vì lo ngại những hành vi, thủ đoạn phạm tội của mình bị nhiều người tìm hiểu ngay cả khi vụ án đã khép lại? Vì sự xấu hổ, hối hận của bản thân hay điều gì khác? Điều này chỉ ông Vĩnh biết. Nhưng vì đề nghị của ông được chấp nhận nên người ta chỉ có thể biết đến bản án qua lăng kính của báo chí thay vì đọc trực tiếp các nhận định và phán quyết của tòa.
Vụ án đáng quan tâm như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng này không được công khai là một điều đáng tiếc. Bởi công khai bản án, quyết định của tòa án sẽ giúp người dân tiếp cận thông tin về hoạt động xét xử của ngành tòa án, qua đó đóng góp, phản hồi thể hiện thái độ của dư luận đối với công tác xét xử của tòa án, thực hiện quyền giám sát của mình với hoạt động xét xử.
Mong muốn được tiếp cận thông tin là nhu cầu chính đáng của người dân được Hiến pháp bảo vệ. Trong khuôn khổ quy định của pháp luật, nhiều nội dung thông tin sẽ phải công khai tới người dân qua nhiều kênh, trong đó có việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương. Đáng tiếc là rất nhiều nội dung đã không được công khai như quy định.
Đơn cử như với một số kết luận thanh tra. Dù nội dung kết luận không có điều gì thuộc quy định về bí mật của Nhà nước và đã được báo chí đưa tin khi tổ chức công bố kết luận nhưng nếu tìm văn bản của kết luận này trên cổng thông tin của cơ quan ban hành kết luận đó, kết quả tìm kiếm nhiều lúc chỉ là con số 0. Thực tế có những kết luận khi công bố chỉ có một nhóm nhỏ những người có liên quan được biết, thành ra việc thực hiện kết luận này như thế nào người dân rất khó giám sát.
Tương tự, nhiều nội dung quy định phải công khai như quy hoạch đất đai, các bản kê khai tài sản... song thực tế ở nhiều nơi cũng chỉ được công khai một cách hình thức, chưa phát huy tác dụng. Trong khi đó, thực tế đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo hoặc tạo cơ hội để phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chính là do thiếu công khai, minh bạch thông tin. Việc các ngành, địa phương đầu tư tiền tỷ cho các trang thông tin, cổng thông tin điện tử, song thông tin người dân cần lại không có, gây lãng phí rất lớn cho xã hội.
Rõ ràng không thể chỉ nói suông về chuyện công khai. Đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vấn đề này. Vấn đề là không nên đợi đến khi phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện hay xảy ra vụ án tham nhũng lãng phí mới truy tìm, xử lý người vi phạm quy định. Xưa nay, phòng bao giờ cũng quan trọng hơn chống. Để đất nước thực sự phát triển, mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải tuân thủ thật nghiêm quy định này. Nhìn lại thực tế của Hải Dương, tình trạng nhiều trang web, cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện và một số sở hằng tháng, thậm chí cả năm trời chưa cập nhật thông tin mới đã từng xảy ra, nhiều văn bản công dân tìm đỏ mắt không thấy, cần được chấn chỉnh thường xuyên.
HOÀI ANH