Tận tâm dạy chữ cho học sinh khiếm thị

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 09:40, 18/11/2018

Cứ đầu năm học, các giáo viên ở Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tìm việc làm (Hội Người mù tỉnh) phải đi khắp những trường học lân cận để xin sách vở cho học sinh...

Giáo viên của Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tìm việc làm phải chia học sinh thành nhiều nhóm nhỏ để các em theo kịp chương trình học hòa nhập

Dùng kính lúp để giảng bài

Đến thăm Trung tâm (TT) Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tìm việc làm vào một buổi chiều tháng 11, tôi thấy các lớp học diễn ra trong trật tự, nền nếp. Học sinh đều chăm chú lắng nghe thầy, cô giáo giảng bài, chỉ có tiếng sột soạt của bảng viết chữ nổi. Học trò muốn phát biểu hoặc ra ngoài đều giơ tay xin phép thầy cô. Năm học mới diễn ra được gần 3 tháng nên nền nếp học tập, sinh hoạt của các lớp đã dần ổn định. 

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không nhỏ vượt qua bao khó khăn của các thầy, cô giáo ở đây. Hằng năm, TT có 60 học sinh khiếm thị theo học 13 khối lớp từ tiền hòa nhập (tương đương lớp mẫu giáo) đến lớp 12. Lượng học sinh đông, trong khi ít giáo viên, phòng học, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, máy tính… đều không đủ phục vụ nhu cầu học tập. 

Do thiếu phòng học nên 60 học sinh được chia làm 4 lớp theo các cấp học tiền hòa nhập, tiểu học, THCS và THPT. Mỗi lớp học từ 11-26 em với độ tuổi, trình độ, trí tuệ khác nhau. 8 giáo viên của TT (trong đó có 2 cô mắc tật khiếm thị) thay phiên nhau dạy học. 

Sách giáo khoa (SGK) hiện ở TT còn rất thiếu thốn. SGK chữ nổi được in ấn cồng kềnh gấp 5-6 lần so với SGK thông thường, mỗi bộ SGK lại có giá hơn chục triệu đồng. Loại sách này rất khó mua do không in đại trà. Vì vậy, các em học cùng một khối lớp thường phải dùng chung SGK với nhau. Học sinh tại TT đa phần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có điều kiện mua đồ dùng học tập hay giấy để viết chữ nổi. TT hiện có 17 bộ máy tính để hỗ trợ học sinh khiếm thị học tập nhưng chỉ có hơn 10 bộ còn sử dụng được.

Không chỉ dạy chữ cho học sinh khiếm thị, giáo viên ở TT còn dạy phục hồi chức năng cho nhiều trẻ mắc đa tật: tật khiếm thị, câm, tự kỷ, tật về trí tuệ... Các em này nhiều năm liền theo học lớp tiền hòa nhập.

Ngoài ra, các thầy, cô giáo ở TT còn phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống như nhà xa, mắt kém, hoàn cảnh gia đình khốn khó... Nhà các thầy Đỗ Văn Thành, Nguyễn Tuyển Sơn cách TT khoảng 10 km. Các cô Vũ Thanh Huyền, Tăng Thị Tú mắc bệnh về mắt, phải dùng kính lúp để giảng bài cho học sinh. 

Tạo môi trường học tập nhân ái

Khó khăn chồng chất nhưng các thầy, cô giáo ở TT Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tìm việc làm luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Học sinh khiếm thị phải làm quen và trình bày các ký tự, biểu thức này bằng chữ nổi rất mất thời gian, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài khi học hòa nhập so với học sinh sáng mắt. Vì vậy, buổi chiều các thầy, cô giáo ở TT sẽ tiếp tục giảng lại bài trên lớp để các em theo kịp chương trình học", chị Hoàng Thị Phương, giáo viên của TT chia sẻ.

Do ít giáo viên, học trò đông nên các thầy, cô giáo phải kiêm cả các môn học không phải chuyên môn chính của mình. Thậm chí, môn tiếng Anh không có SGK chữ nổi, giáo viên phải dạy bằng SGK thông thường và cho các em đọc, chép. Thầy cô luôn phải nhắc nhở các em giữ gìn, không chồng sách lên nhau, không để sách ướt gây bẹp, hỏng chữ nổi. Cuối mỗi năm học, các thầy, cô giáo phải bọc từng quyển SGK bằng nilon và đặt lên giá để giữ cho học sinh khóa sau học tiếp. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên của TT cho biết: "Cứ đến đầu năm học chúng tôi lại tới các trường học lân cận để xin sách vở bỏ đi về làm vở viết chữ nổi cho học trò của mình. Dù vậy, chúng tôi vẫn rất vui vì giúp được học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập".

Chị Vũ Thanh Huyền, Tổ trưởng Tổ giáo viên của TT cho biết có những em khi bắt đầu đến TT không biết tự xúc cơm, không biết tự mặc quần áo... Vì vậy, các cô phải kiên trì dạy các em từ những động tác rất đơn giản. "Người ngoài nhìn vào còn bảo sao các cô cứ dạy đi dạy lại một bài mà học sinh không có gì tiến bộ. Chính chúng tôi có lúc cũng nản. Nhưng vì thương học trò, chúng tôi lại dạy lại từ đầu, kết hợp dạy hát, tạo môi trường học tập sinh động để các em dễ tiếp thu. Sau thời gian dài học tập tại đây các em đã chủ động hơn trong cuộc sống, biết chào cô lúc vào lớp, đứng lên khi cô gọi...", chị Huyền tâm sự.

Nhờ sự nỗ lực của các giáo viên, nhiều năm liền TT Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tìm việc làm được đánh giá là một trong những mô hình học tập, phục hồi chức năng tốt nhất cho học sinh khiếm thị trên cả nước. Hằng năm, 100% số học sinh tiểu học, THCS, THPT đạt yêu cầu, học sinh tiên tiến chiếm từ 20-50%. Nhiều học sinh ở các tỉnh như Ninh Bình, Lào Cai... cũng về đây theo học. Nhiều giáo viên của TT được Thủ tướng Chính phủ, Hội Người mù Việt Nam, Tỉnh hội tặng bằng khen, giấy khen.

VIỆT QUỲNH